Chiều 25/3, trong cuộc họp báo quý I của Bộ Công an, Cục trưởng CSGT Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, Bộ Công an và Bộ Giao thông đã thống nhất cao trong việc chia sẻ dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và giấy phép lái xe bị tạm giữ, "chậm nhất 1/6 sẽ kết nối".
Theo Cục CSGT, những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng Cục Đường bộ và Sở Giao thông các địa phương hàng ngày. Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái, cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới.
"Sau khi kết nối, thông tin vi phạm cả về giao thông và ma tuý của tài xế sẽ được cập nhật thường xuyên. Hai đơn vị có thể sử dụng dữ liệu của nhau để xử lý, quản lý tài xế", ông Dũng nói.
Việc chia sẻ dữ liệu được thực hiện sau khi Tổng cục Đường bộ cho hay đơn vị không thể nắm được việc tài xế có phải bị tước bằng hay không khi họ đến làm thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe. Ngoài ra, việc hai bộ trao đổi thông tin bằng văn bản dễ thất lạc hoặc chậm, ảnh hưởng quá trình cập nhật dữ liệu.
Nhận định đây là vấn đề quan trọng, ông Dũng cho rằng cần phải làm sớm để tránh những hệ luỵ.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trong hai năm 2015-2016 có gần 160.000 giấy phép lái xe ôtô, môtô bị tước quyền sử dụng, đã hết thời gian tước nhưng tài xế không đến nhận. Thực tế, cảnh sát giao thông nhiều địa phương phát hiện tài xế lợi dụng việc báo mất giấy phép lái xe để làm mới, thậm chí sử dụng bằng lái giả.
Một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm không đến nhận lại bằng lái được Cục nêu ra là mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại. Thủ tục cấp lại bằng lái cũng đơn giản nên người vi phạm báo mất để xin cấp lại.