![]() |
Mủ đu đủ, kỳ vọng mới cho người dân Đăk Lăk. |
Ông Đoàn Ngọc Khuê, tư vấn khoa học kỹ thuật cho công ty BPI.SA (Vương quốc Bỉ) cho biết, người "Tây" ăn mủ chứ không ăn trái như ta. Họ dùng làm thuốc và chất xúc tác trong ngành hóa thực phẩm, vì thế mà sẵn sàng mua với giá 6 USD/kg mủ khô (sau khi đã trừ các loại chi phí cho dân không thu lại). Một đời cây đu đủ giống solo (lai giữa đu đủ châu Phi và Thái Lan) trong điều kiện chăm sóc tốt có thể cho 1-1,5 kg mủ khô. Nếu trồng xen giữa lô cà phê rộng 1 ha (1.000 cây) có thể cho 1.000-1.500 kg mủ khô, bán được trên 80 triệu đồng. Nếu trồng thuần đu đủ, mỗi ha (2.200 cây) sẽ cho thu hoạch trên 160 triệu đồng/năm. Hiện nay, BPI đã xây dựng nhà máy chế biến mủ đu đủ ngay tại địa phương. Họ sẵn sàng mua với số lượng không hạn chế.
Ma Nghé, người đang ký hợp đồng trồng 600 cây đu đủ với Ban quản lý dự án phát triển cây đu đủ của công ty BPI tại Đăk Lăk, cho biết, hai năm nay, cây cà phê mất giá, không biết lấy đâu ra tiền đầu tư tiếp cho vườn cà phê, may mà có được dự án này. Năm ngoái gia đình hợp đồng trồng 200 cây. Năm đầu thiếu kinh nghiệm nhưng cũng thu được hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn thu hoạch được rất nhiều quả (sau khi đã khai thác mủ) để
![]() |
Niềm vui được mùa đu đủ. |
Công việc của người khai thác mủ là dậy từ 4-5 giờ sáng, dùng dao rạch theo chiều dài quả sâu khoảng 2 mm, mỗi quả rạch 4 đường, mỗi đường sẽ cho 30 giọt mủ nước. Nếu không rạch sớm, khi nắng lên, mủ sẽ nhanh chóng bị đông lại. Thông thường sau khi rạch khoảng 5 phút, mủ sẽ không chảy nữa, vì vậy vào đợt khai thác cần rất nhiều người mới lấy kịp. Mỗi quả cho khai thác 4 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày. Sau đó quả sẽ không còn mủ và chín rất nhanh. Quả chín ăn vẫn ngọt nhưng sức đâu mà ăn cho xuể, dùng để nuôi cá, nuôi lợn rất tốt.
Bây giờ, ở buôn Krông Bkhông của Ma Nghé, có 27 hộ đồng bào Ê Đê cũng được dự án đầu tư trồng đu đủ. Bà con đã trồng được trên 20 ha. Nhiều hộ như Ma Ngoan, Ma Je, Ma Von... trồng từ 700 đến 1.000 cây. Các hộ được cấp cây giống, 3 kg phân chuồng, 50 gram NPK cho mỗi cây. Sau 3 tháng sẽ được cấp trở lại như vậy. Ngoài ra, cứ 5.000 cây thì được cấp 450.000 đồng tiền tưới mỗi tháng. Theo Ma Nghé thì bón phân cho đu đủ, cây cà phê được hưởng lây, đỡ được một phần đầu tư.
Tuy nhiên, ông Khuê cho biết, trồng đu đủ không phải là công việc dễ dàng bởi đu đủ là thứ cây rất dễ bị virus tấn công gây bệnh đốm lá, rụng quả, thối rễ, dễ bị hạn, vì vậy bà con không nên chủ quan.
Bây giờ, ở buôn Krông A, Krông B, đồng bào luôn nói về việc trồng đu đủ lấy mủ. Bà con đang rất hy vọng vào sản phẩm mới mẻ này để vượt qua khó khăn trong khi cà phê rớt giá. Trong tương lai, mủ đu đủ cũng có thể đem lại cho họ sự đổi đời như đã có trong "thời cà phê" hay "thời hồ tiêu".
Lao Động, 21/5