7 trong số 358 người bị ngộ độc ở Nha Trang từ hôm 11/3 đến nay, hiện có kết quả cấy phân dương tính với vi khuẩn Salmonella - độc tố đường tiêu hóa nguy hiểm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, cho biết vi khuẩn Salmonella có thể xuất hiện ở bất cứ loại thịt động vật sống nào, phổ biến nhất là thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng. Trong quá trình chế biến, người làm không tuân thủ nguyên tắc chế biến thực phẩm sống - chín, không rửa tay sạch sẽ khiến vi khuẩn từ thực phẩm sống nhiễm sang chín và nhanh chóng sinh sôi. Lượng vi khuẩn càng nhiều, độc tố sinh ra càng lớn.
Còn theo phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật nội soi Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, vi khuẩn Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C). Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ, người dân cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra.
Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.
So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn món bị nhiễm khuẩn, cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.
Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu.
Người bệnh đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, dấu hiệu mất nước như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp, phân có máu. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Để phòng ngộ độc thực phẩm, chuyên gia khuyến cáo người chế biến cần tuân thủ các quy tắc về an toàn thực phẩm, rửa tay hoặc dùng găng tay khi nấu nướng. Tuyệt đối không dùng chung dao, thớt khi chế biến thực phẩm sống, chín.
Thức ăn chín cần bảo quản riêng biệt, có tủ kính và sử dụng sớm sau khi nấu xong. Nếu để ở môi trường thông thường, thời gian tối đa chỉ 4 tiếng. Còn thực phẩm sống, người chế biến cần cho vào tủ đông, tách biệt hoàn toàn khu thực phẩm sống - chín.
Khi ăn uống cần chọn nơi an toàn, bàn ghế, bát đĩa sạch sẽ; hạn chế ăn đồ sống, đồ tái.
Khuẩn Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong, hồi năm 2022. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Thúy Quỳnh