Tổ chức đơn bào có thể dài tới 2 cm và có hình chuỗi dài mỏng, theo nghiên cứu công bố hôm 18/2 trên cơ sở dữ liệu bioRxiv. Vi khuẩn mới mang tất cả ADN bên trong túi màng, khác với phần lớn vi khuẩn với vật liệu di truyền trôi nổi bên trong tế bào. Đặc điểm này không chỉ khiến chúng khác biệt với các loài vi khuẩn khác mà còn tách chúng khỏi nhóm sinh vật nhân sơ, bao gồm tổ chức sinh vật với cấu trúc đơn bào rất nhỏ.
Trái với sinh vật nhân sơ, nhóm sinh vật nhân thực như động vật, thực vật và nấm có nhiều tế bào phức tạp chứa nhân và nhiều hạt cơ quan gắn với màng tế bào. Loài vi sinh vật khổng lồ mới phát hiện nằm giữa nhóm sinh vật nhân sơ và nhóm sinh vật nhân thực do ADN của chúng nằm trong túi màng và có một túi thứ hai lớn chứa đầy nước, chiếm tới hơn 70% tổng thể tích tế bào. Túi chứa nước đó ép mọi thành phần của tế bào vào mép ngoài cùng, giúp những phân tử duy trì sự sống hòa lẫn vào tế bào dễ dàng hơn, đồng thời thải chất độc ra ngoài.
Một vi khuẩn lớn ăn lưu huỳnh trong chi Thiomargarita cũng mang túi chứa nước tương tự. Dựa trên đặc điểm giống nhau này và phân tích di truyền, nhóm nghiên cứu đứng đầu là Kazuhiro Takemoto, nhà sinh vật học vi tính ở Viện Công nghệ Kyushu kết luận vi khuẩn mới có thể cũng thuộc chi Thiomargarita. Họ đề xuất đặt tên cho chúng là T. magnifica. Theo Takemoto, đây có thể là mắt xích còn thiếu trong quá trình tiến hóa của tế bào phức tạp.
"Vi khuẩn thường được xem như dạng sống nhỏ đơn giản chưa tiến hóa hay những túi protein", Chris Greening, nhà vi sinh vật học ở Đại học Monash University, người không tham gia nghiên cứu, nói. "Nhưng vi khuẩn này cho thấy điều đó có thể không còn đúng nữa".
An Khang (Theo Live Science)