Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hùng Vĩ, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết cụ Nguyễn Văn Thường 75 tuổi ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, là ca thứ hai ở tỉnh được ghi nhận mắc bệnh cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người. Bệnh nhân này bị hoại tử tổ chức vùng thái dương bên phải, mất vành tai phải, liệt mặt bên phải trên cơ địa suy tim do cao huyết áp.
Tình trạng của bệnh nhân diễn biến hơn 6 năm qua với những dấu hiệu bất thường ngày càng tăng ở vùng mặt, tai. Ông Thường khám ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh và TP HCM được chẩn đoán ung thư vành tai phải. Không có tiền chạy chữa nên ông xin về nhà, từ đó đến nay bệnh diễn tiến chậm với nhiều đợt cấp tính xen kẽ gây đau nhức, tạo mủ vàng xanh. Gần đây ông cụ bị hoại tử tổ chức vùng thái dương bên phải và tai phải (Ảnh - độc giả cân nhắc khi xem).
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết kết quả phân tích loại trừ cho thấy ông Thường có thể không phải mắc ung thư mà do vi khuẩn ăn mô gây hoại tử. Đây là một bệnh hiếm, địa phương chưa có tiền lệ nên chưa thể phân lập chủng loại vi khuẩn để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp. Ngành y tế địa phương đã có báo cáo lên Bộ Y tế. "Chúng tôi đang tiến hành các xét nghiệm tầm soát vi trùng và sẽ hội chẩn các chuyên khoa thời gian tới", ông Vĩ nói.
Ông Thường là trường hợp thứ hai bị vi khuẩn ăn mô tấn công. Trước đó Tiền Giang ghi nhận một trường hợp tương tự là ông Huỳnh Văn Đạt 44 tuổi ở ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành. Đến nay bệnh của ông Đạt tiến triển rất nặng, toàn bộ gương mặt bị biến dạng hoàn toàn. Mới đây lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, đại diện Trường Cao đẳng Y tế, Hội Y học, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và nhóm Bác sĩ gia đình tỉnh Tiền Giang đã đến tư vấn và hướng dẫn điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Qua quan sát dịch tễ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho rằng có 2 vấn đề có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ở các bệnh nhân trên. Thứ nhất là do môi trường sinh sống của người dân ở vùng sông nước nuôi nhiều gia súc gia cầm. Con người sống chung với gà, vịt, heo trong môi trường không vệ sinh dễ dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó nông dân phải làm lụng vất vả mà chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thể trạng suy yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công.
Theo y văn, cam tẩu mã còn gọi là nha cam tẩu mã, tị cam, thuần cam hoặc hầu cam. Đây là chứng viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, hoại tử phần mềm làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương, răng lung lay rụng dần, có mùi hôi thối. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ có thể trạng rất suy kiệt, thường sau khi mắc bệnh sởi, thương hàn hoặc một bệnh nhiễm khuẩn nặng khác. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 500.000 người bị ảnh hưởng bởi bệnh này, mỗi năm có 140.000 ca mới được ghi nhận.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net