Bệnh nhân mới nhất là một người đàn ông 50 tuổi ở Hải Dương, vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng sốt kéo dài từng cơn và thường sốt về chiều, đau tức ngực trái, khó thở, kém ăn và mệt mỏi. Kết quả cấy máu dương tính với vi khuẩn Whitmore. Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân còn có ổ áp xe ở mặt trước xương cẳng chân trái. Xét nghiệm công thức máu bệnh nhân số lượng bạch cầu tăng cao, chụp X-quang phổi thấy tổn thương phổi lan tỏa 2 bên, áp xe phổi nhiều ổ kèm tràn dịch màng phổi.
Bệnh nhân không được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore cho đến khi có kết quả cấy máu dương tính với vi khuẩn B. pseudomalei sau 10 ngày nhập viện (ngày thứ 20 tính từ khi khởi bệnh). Bệnh nhân đã được tiêm kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore. Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân đã hết sốt và không còn dấu hiệu bệnh. Bệnh nhân ra viện và tiếp tục điều trị kháng sinh theo toa thuốc của bác sĩ.
Theo bác sĩ Cường, bệnh Whitmore đã được biết đến cách đây vài chục năm, tuy nhiên số ca bệnh được phát hiện lẻ tẻ ở các cơ sở y tế. Bệnh thường gặp trên người có cơ địa bị tiểu đường, bệnh lý thận, nghiện rượu… và được chẩn đoán nhờ xét nghiệm nuôi cấy bệnh phẩm từ máu, đờm, mủ ổ áp xe và nước tiểu.
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Ngoài ra, việc điều trị bệnh phải mất nhiều thời gian và tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân gây thất bại điều trị và tử vong. Đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có văcxin phòng bệnh.
Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Trưởng phòng quản lý Khoa học và Công nghệ, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có hơn 10 năm nghiên cứu về căn bệnh Whitmore. Theo ông Trung, đây là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Nếu không được xét nghiệm nhanh và điều trị kháng theo đúng phác đồ kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50-60% trên tổng số ca nhiễm bệnh. Bệnh Whitmore đang bị “bỏ quên” tại Việt Nam bởi rất ít người để ý đến bệnh hay xét nghiệm phát hiện ra vi khuẩn.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất, phân bố không đồng đều ở các vùng khác nhau, vùng nào có nhiều vi khuẩn này thì người dân sống ở khu vực đó càng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. "Chúng tôi đang điều tra sự hiện diện của vi khuẩn B. pseudomallei ngoài môi trường; hướng dẫn và triển khai quy trình xét nghiệm vi sinh tới các bệnh viện tuyến nhằm thu thập số liệu và vẽ bản đồ dịch tễ học về bệnh Whitmore tại Việt Nam. Sau đó sẽ khoanh vùng dịch bệnh nhằm đưa ra cảnh báo đối với người dân, chủ yếu là người làm nông", tiến sĩ Trung chia sẻ.
Bệnh Whitmore không phải là bệnh nhiễm trùng cơ hội, gặp ở mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh cho đến người có hệ miễn dịch yếu. Người có nguy cơ nhiễm Whitmore nhiều nhất là nông dân nghèo, có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mãn tính về phổi và thận.
Theo báo cáo của các vùng có bệnh trên thế giới, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chiếm 5-15% tổng số các ca Whitmore. Trong số trẻ mắc bệnh thì có khoảng 35% biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% ở các thể khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ. Diễn biến nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong cao. Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.
Có 2 con đường chính lây nhiễm khuẩn: Một là qua tiếp xúc trực tiếp các vết xước trầy da với đất hoặc nước nhiễm khuẩn; hai là hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn. Ngoài ra, có thể lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei. Bệnh có thể lây nhiễm khi tiếp xúc vết xước trầy da với loại động vật chết do nhiễm bệnh Whitmore như chó, mèo, bò, dê, cừu và ngựa.
Whitmore được coi là "kẻ mạo danh" vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Mặc dù chưa khoanh vùng và xác định được bản đồ dịch tễ học về bệnh tại Việt Nam, các chuyên gia cũng khuyến cáo những người thường xuyên tiếp xúc với đất như nông dân và công nhân làm gạch và làm xây dựng nên mặc bảo hộ lao động, đi ủng và mang găng tay cẩn thận nhằm tránh xước chân tay. Khi có những triệu chứng mô tả ở trên cần đi khám ngay tại các cơ sở có uy tín và có xét nghiệm vi sinh, tránh chủ quan, tự mua thuốc uống khiến bệnh chuyển biến nặng.
Linh Nga