Tháng Tư rồi, đoàn chúng tôi vừa tham dự hội chợ cà phê đặc sản SCAA tại Mỹ do Hiệp hội cà phê đặc sản Mỹ tổ chức, một sự kiện lớn quy tụ giới cà phê quốc tế. Lần nào tới đây cảm giác của tôi cũng là sự choáng ngợp trước các gian hàng lớn, sự tổ chức chuyên nghiệp, sự phong phú của sản phẩm, sự ngưỡng mộ vẻ đẹp tuyệt vời của văn hóa cà phê. Và sau đó là những khát khao riêng tư nhưng cháy bỏng về ngành cà phê nước nhà.
Đứng cạnh tôi trong hội chợ, anh Hào, một nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk rưng rưng nói, rằng ngày từ miền Trung vào Đắk Lắk với đôi bàn tay trắng, anh chỉ mong đủ ăn. Anh nào dám nghĩ mình có cơ hội đi đâu chứ mơ gì sang tới Mỹ. “Cây cà phê cho tôi quá nhiều!”, anh cảm kích.
Tôi rất tự hào về anh và những nông dân tôi làm việc cùng những năm qua. Họ cần mẫn trên các cánh đồng để thương hiệu cà phê Việt từ vô danh trở thành địa chỉ xuất khẩu cà phê vối (robusta) nhất nhì thế giới. Năng suất trên mỗi hecta cà phê của Việt Nam hiện cũng cao hàng đầu thế giới.
Thế nhưng tôi phải cười trừ vì không trả lời được những câu hỏi liên tục của anh Hào. “Vì sao Indonesia lại có gian hàng của nước họ tại hội chợ? Ô kìa, cả Honudras, hay Ethiopia cũng có. Sao nước mình không có gian hàng nhỉ?”, mắt anh mở to.
Ở hội chợ cà phê lớn nhất nhì thế giới này, người ta tổ chức những cuộc thử nếm cà phê, nhưng không thấy bóng dáng cà phê Việt Nam. Ở một hội chợ nổi tiếng lâu đời khác tại châu Âu, hội chợ cà phê SCAE - Special Coffee Association of Europe - nơi tập trung những người mua cà phê lớn nhất thế giới cũng chưa có gian hàng cà phê Việt Nam nào.
Phần lớn cà phê của Việt Nam dùng để xuất khẩu. Câu chuyện xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng giống như nhiều sản phẩm khác. Cái gì tốt nhất, ngon nhất dành cho xuất khẩu, đổi lấy ngoại tệ. Hàng thứ cấp còn lại để chế biến cho người dùng trong nước. Nhưng tôi đau lòng hơn là kể cả sản phẩm cà phê thứ cấp thật người Việt cũng ít dùng. Nó được chế biến khác đi. Với sự hiểu biết của tôi, thứ “cà phê” nhiều người đang uống rất sai về khái niệm. Nhiều loại nguyên liệu khác được trộn với cà phê như bắp, đậu nành, mỡ gà, nước mắm muối cao đạm… và rất nhiều hóa chất. Nó không còn là cà phê ngoài cái tên.
Tôi từng mời bạn bè tới nhà uống cà phê sạch - sạch 100%. Họ sau đó phán một câu xanh rờn: “Đây không phải là cà phê. Cà phê thật phải đặc, đen và sủi bọt, đắng hơn chứ không màu nâu nhạt, lỏng và không có tý bọt nào”.
Lãnh đạo một công ty chế biến cà phê toàn cầu từng chia sẻ rằng họ dùng 100% cà phê nguyên chất để làm sản phẩm cà phê bán ra trên toàn thế giới, nhưng riêng tại Việt Nam họ phải trộn thêm bột bắp “cho hợp khẩu vị người Việt”. Đây là lời biện hộ cho việc kinh doanh thiếu đạo đức, một lý do bao biện cho câu hỏi cạnh tranh, tồn tại hay thất thế? Nhưng sự thật là, họ đã, vẫn trộn những thứ không phải là cà phê vào cà phê. Với tôi, đó là sự ích kỷ đến hồn nhiên của những người sản xuất. Với niềm tin khờ khạo, rằng làm như thế chẳng sao, doanh nghiệp và người tiêu dùng, cả hai bên đều vẫn ổn.
Tôi không muốn kêu gọi các công ty chế biến cà phê hãy đạo đức hơn ở đây. Họ cần hơn một hệ thống luật pháp đầy đủ vừa điều chỉnh kỹ lưỡng việc kinh doanh vừa điều chỉnh những lệch lạc cho riêng ngành cà phê cũng như cơ chế giám sát các quy phạm ấy. Đã đến lúc đưa “cà phê” trở về lại thành cà phê ở một đất nước trồng và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Còn với chúng ta, những người vẫn bắt đầu ngày mới bằng ly cà phê, làm sao để sửa lại vị giác đã nhầm lẫn của mình. Chừng nào người uống cà phê còn mơ mộng phải nhâm nhi ly cà phê đặc, đen đậm và đắng ngắt thì những cân cà phê giá 50 nghìn đồng vẫn được tuồn đi tuồn về các ngả. Những người chế biến món phụ gia có cà phê sẽ còn đất sống, còn giàu lên.
Giữa cà phê và tôi, như một tình yêu đẹp, nhưng đơn phương chỉ từ một phía.
Trần Ban Hùng