Nhà tâm lý học quân đội Andriy Kozinchuk, 38 tuổi, cho biết áp lực buộc các binh sĩ phải trở thành "người hùng" của đất nước càng khiến họ thêm căng thẳng. Hai người trong tiểu đoàn của anh đã tự sát từ cuối tháng hai năm ngoái.

"Chúng tôi đang gặp vấn đề lớn và cần được giúp đỡ", anh nhấn mạnh.

Theo Kozinchuk, những nhà tâm lý học như anh giống như "một cây cầu nhỏ" kết nối giữa đời sống quân sự và dân sự của người lính.

Tại một cơ sở trị liệu tâm lý ở vùng Kharkov, Maksym Bayda, 34 tuổi, nhà tâm lý học quân đội từng ra tiền tuyến, đang điều trị cho các binh sĩ. Từ mùa hè năm ngoái, khoảng 2.500 người đã hoàn thành chương trình trị liệu kéo dài một tuần ở đây.

Bayda cho hay hơn 10% người tới cơ sở với ý nghĩ muốn tự tử, một nửa đến từ những chiến trường khốc liệt quanh Bakhmut.

Điều những người lính sợ nhất là gặp lại những sang chấn trong quá khứ, Bayda nói. "Họ quay lại chiến trường và sợ rằng sẽ lại bị pháo kích hoặc mất bạn bè thêm lần nữa", anh giải thích. "Nỗi mệt mỏi làm tăng thêm tâm lý lo lắng, hoang mang".

Sau khi xung đột kết thúc, anh hy vọng có thể dành nhiều thời gian hơn giúp những người lính bị chấn thương tâm lý hồi phục. Nhưng khi đất nước vẫn chìm trong khói lửa, Bayda chỉ cố gắng "ổn định tinh thần cho họ để họ có thể quay trở lại đơn vị của mình và thực hiện mệnh lệnh".

Bên trong cơ sở điều trị, Ivan Hrebin, 57 tuổi, thả mình giữa hồ nước nóng. Ông cho biết sau 5 ngày điều trị, ông bắt đầu cảm thấy phục hồi, ngủ ngon hơn, căng thẳng cũng giảm bớt, những cơn đau đầu tan biến.

Ivan Hrebin, 57 tuổi, tại một trung tâm phục hồi ở vùng Kharkov hôm 3/3. Ảnh: Washington Post.

Ivan Hrebin, 57 tuổi, tại một trung tâm phục hồi ở vùng Kharkov hôm 3/3. Ảnh: Washington Post.

Hrebin ước có thể ở lại lâu hơn, nhưng ông đoán mình sẽ phải sớm trở lại đối mặt với làn đạn pháo và không biết nỗi sợ hãi có tiếp tục kéo đến hay không. Nhưng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi khiến ông cảm thấy được nạp đủ năng lượng và tin rằng mình có thể vượt qua.

"Không sợ hãi khiến bạn trở thành một chiến binh giỏi. Song sợ hãi mới là thứ khiến bạn sống", ông nói.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)