Ở tuổi 24, Bùi Thanh Minh đã nhập viện hơn 50 lần để chữa vết bớt ở mông nhưng không khỏi mà ngày càng lở loét nặng hơn. Đến nay vết loét lan ra khắp phần mông bên trái gây hoại tử và nhiễm trùng khiến chàng trai đau đớn, không thể ngồi hay đi đứng bình thường được.
"Em chỉ dám ngồi nghiêng mông bên phải, đi đứng cũng gây đau nên không thể vận động nhiều", Minh kể.
Mẹ của Minh là bà Lê Thị Lài cho biết từ khi con còn nhỏ đã thấy một vết bớt màu xanh, sờ vào có cảm giác nóng ran, chỉ nghĩ đó là vết bớt bình thường. Đến khi Minh lớn, vết bớt nhô lên to hơn một chút, bôi thuốc thì giảm. Năm hai đại học, vết bớt của Minh sưng lên nhanh, nhiều lần chảy máu, nam sinh viên phải nghỉ học để nhập viện điều trị.
Gia đình sống bằng nghề cạo mủ cao su thuê ở Đồng Nai, kiếm được bao nhiêu tiền đều dành dụm để đưa Minh đến bệnh viện tỉnh điều trị. Từ khi phát bệnh, cơ thể chàng trai 9x ngày càng xanh xao, ốm yếu nên không thể phụ giúp cha mẹ. Minh về TP HCM khám, bác sĩ từ chối điều trị vì lý do bệnh quá phức tạp, bệnh nhân có thể bị liệt và tử vong do mất máu nhiều.
"Nhiều đêm nằm nghĩ thương thằng bé, tôi khóc. Nhà cửa, ruộng vườn ở quê đều phải cầm cố để vay tiền chạy chữa cho con mà chỉ như muối bỏ biển", bà mẹ 45 tuổi bùi ngùi.
Gần đây Minh khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Lồng ngực Mạch máu, xác định đây là ca dị dạng động tĩnh mạch phức tạp nhất trong số các bệnh dị dạng mạch máu. Bệnh này trước đây được xem như "không thể chữa được".
Theo bác sĩ Phong, dị dạng mạch máu là bệnh bẩm sinh hiếm gặp, chỉ chiếm 1% dân số. Những mạch máu bất thường tập trung thành một đám rối ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, gọi là ổ dị dạng. Trường hợp của Minh là dị dạng động tĩnh mạch. Nó phát triển theo thời gian làm cho máu không đến được cơ quan, khi các mạch máu dị dạng vỡ ra gây chảy máu nhiều. Máu đến nuôi phần thân dưới không đủ nên làm cho chân trái của bệnh nhân ngày càng teo lại.
Dị dạng mạch máu phát triển qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu bệnh im lặng, biểu hiện bên ngoài chỉ là một cái bớt xanh xanh, tim tím, sờ vào thấy ấm, có thể phát hiện bằng siêu âm mạch máu. Giai đoạn 2, ổ dị dạng tăng kích thước, đập theo nhịp tim, có cảm giác rung như sờ vào lưng mèo, có thể nhìn thấy các tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da. Giai đoạn 3 bắt đầu có tình trạng phá hủy, biến đổi da, loét, chảy máu, hoại tử. Giai đoạn 4 gây suy tim, nếu không được điều trị có thể tử vong.
Bác sĩ Phong cho biết bệnh của Minh đang ở giai đoạn 3, vùng mông bị hoại tử rộng và chảy máu nhiều do vỡ các mạch máu dị dạng. Việc điều trị rất phức tạp, cần giữ mạng sống cho người bệnh trước tiên, sau đó mới đẩy lùi bệnh.
Bác sĩ chia sẻ hướng điều trị chia làm 2 giai đoạn. Đầu tiên là cầm máu, chống chảy máu và làm lành vết hoại tử vùng mông bằng can thiệp nội mạch và chăm sóc vết thương. Giai đoạn hai là điều trị bằng thuốc làm thuyên tắc các ổ dị dạng bằng can thiệp nội mạch.
Đến nay bệnh nhân đã trải qua 4 lần can thiệp, tình trạng có cải thiện, vùng mông bớt dập, bớt nóng, đáy ổ hoại tử đã có mô hạt mọc lên, diện tích hoại tử đã thu hẹp lại. Dù vậy tiên lượng lành bệnh còn khá dè dặt. "Quá trình điều trị cần tiến hành nhiều đợt, phức tạp và rất tốn kém. Do vậy cần có sự nỗ lực, kiên trì của người bệnh, thầy thuốc và cả sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng", bác sĩ Phong chia sẻ.
Đến nay trải qua hơn 50 lần ra vào bệnh viện với những đợt phẫu thuật cắt lọc đau đớn, Minh cho biết chỉ mong khỏi bệnh, đi học và làm việc để kiếm tiền phụ cha mẹ trả nợ.