Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016. Báo cáo đề cập đến nhiều nội dung, trong đó có đánh giá về đề xuất huy động 500 tấn vàng (số liệu ước tính) trong dân của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Sau đề xuất này, Thủ tướng đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong xã hội (bao gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Trình bày báo cáo tại buổi công bố chiều 14/7, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - nhận định bản chất của việc huy động vàng là đi ngược với nguyên tắc kinh tế. Theo đó, vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.
"Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như sự kiện Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn", báo cáo nhận định. Trên thực tế, từ cuối tháng 6 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới đã tăng mạnh.
Theo Tiến sĩ Thành và các chuyên gia VEPR, việc này sẽ dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này cũng đúng với đôla hóa, khi các nhà băng đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD.
Thực tế thời gian qua, NHNN đã dần loại vàng và ngoại tệ ra khỏi quan hệ tín dụng. VEPR cho rằng nhà điều hành cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại những sai lầm không cần thiết.
"Về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đôla hóa. Vì vậy cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản", ông Thành nhấn mạnh.
Theo đó, nếu Nhà nước muốn người dân không giữ hoặc giảm giữ vàng thì duy trì lãi suất tiền mặt cao, ổn định. Khi đó, người dân sẽ bán vàng để giữ tiền mặt. Một số ý kiến khác như đánh thuế vàng là sự can thiệp không phù hợp.
Phát biểu tại buổi công bố, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng thẳng thắn nêu quan điểm không ủng hộ với việc huy động vàng trong dân. Vị chuyên gia cho rằng việc tìm mọi cách huy động sẽ phải đánh đổi với sự bất ổn của thị trường vàng.
"Nhà nước nên cải cách, thiết lập môi trường đầu tư thuận lợi, để người dân tự đầu tư, chứ không cần thông qua ai. Người dân chưa tin vào thị trường thì sao người ta bỏ vàng ra được. Họ không biết làm cái gì thì mới giữ vàng. Việc huy động đó là điều không thực tế", Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nhận xét.
Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế quý II tiếp tục gây thất vọng khi chı̉ đạt 5,52%. Lạm phát cũng tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khi khu vực dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Khu vực khai khoáng có tốc độ tăng trưởng giảm đáng kể. Ngành công nghiệp suy giảm khiế́n tăng trưởng nửa đầu năm không đạt được như kỳ vọng. VEPR nhận định Việt Nam sẽ không đạt được mức tăng trưởng 6,7% như kế hoạch đề ra và dự báo chỉ ở mức 6% hoặc có thể thấp hơn. Cơ quan này nhấn mạnh về việc cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô, khiến cái giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều. Ngân sách Nhà nước đang tiếp tục khó khăn do hụt các nguồn thu chính. Điều này tạo sức ép khiến Chính phủ phải tăng thu nguồn khác nhằm cân đối ngân sách. Điểm sáng là thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. NHNN đang có những điều kiện thuận lợi để quản lý tỷ giá một cách chủ động khi tâm lý đầu cơ trên thị trường không còn lớn. Chính phủ cũng đã có bước đi đầu tiên trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng không gian cho doanh nghiệp tư nhân, khiến số doanh nghiệp thành lập mới tăng trở lại. |