Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà - Giám đốc chuyên môn Y học Thể thao - Vận động, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome cho biết, người lớn thi thoảng bị đau lưng nhưng trẻ thì không. Khi các em đau lưng, chắc chắn là do một nguyên nhân bệnh lý nào đó cần phải được thăm khám. Các nguyên nhân đau lưng ở trẻ em thường bao gồm: chấn thương; trượt đốt sống và hủy eo đốt sống; bệnh scheuermann; nốt schmorl; u cột sống; viêm đĩa đệm; viêm khớp dạng thấp ở cột sống; các rối loạn cơ năng; các hội chứng quá tải; vôi hoá đĩa đệm cột sống cổ...
"Đau lưng ở trẻ đặc biệt quan trọng, đôi khi có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng. Một số triệu chứng đáng báo động là bệnh khởi phát trước 4 tuổi, triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần, có các triệu chứng toàn thân. Trẻ khó chịu, đau vào ban đêm, có triệu chứng thần kinh và vẹo cột sống khởi phát", bác sĩ Song Hà nói.
Thăm khám cột sống cho trẻ
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, khi trẻ có triệu chứng đau cột sống hoặc biến dạng cột sống, phụ huynh cần đưa bé khám tổng quát và khám cột sống.
- Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng: Vẹo cột sống và còng cột sống có tính gia đình, đau lưng cũng vậy. Do đó thăm hỏi bệnh sử gia đình rất quan trọng
- Ghi nhận về hình dáng, sự mất cân xứng hai bên đỉnh vai, xương bả vai và khung chậu. Tìm kiếm các tổn thương trên da, đặc biệt là giữa lưng, bàn chân, bắp chân... 10% trẻ em có cột sống mất cân đối nhẹ, các trường hợp này không nguy hiểm và không ảnh hưởng nhiều, không cần điều trị.
- Nghiệm pháp cúi ra trước: yêu cầu trẻ đứng, chắp hai tay vào nhau và cúi từ từ ra phía trước, vẹo cột sống nếu nhiều sẽ hiện ra... Các bệnh lý tổn thương cột sống như u tủy sống, trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm hoặc viêm đĩa đệm sẽ làm trẻ khó thực hiện động tác này.
- Khám thần kinh: Đây là một phần quan trọng của thăm khám. Đánh giá phản xạ da bụng cho trẻ
X-quang và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác sẽ cho phép bác sĩ đo được độ vẹo và bổ sung các vấn đề đã phát hiện từ thăm khám lâm sàng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác sẽ chỉ thật cần thiết nếu có những khác biệt bất thường.
Các dị tật cột sống bẩm sinh
Dị tật cột sống bẩm sinh không thể phòng ngừa và việc điều trị cũng rất phức tạp. Do đó, theo các chuyên gia tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị dị tật này có ý nghĩa rất quan trọng giúp phục hồi cột sống. Dị tật cột sống bẩm sinh có ba dạng:
- Diastematomyelia: Tật bẩm sinh, có tấm vách sụn - xương ở trung tâm tủy sống, chia tủy thành 2 phần. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng ở da, có thể có một mảng da rậm lông, một vùng da lõm, u mạch máu, khối sưng dưới da hoặc u quái ở gần vị trí diastematomyelia... Một nửa số trường hợp có triệu chứng thần kinh. Có thể điều trị bằng cách cắt bỏ vách ngăn tủy sống nếu triệu chứng thần kinh nặng dần. Các trường hợp khác có thể theo dõi và cắt bỏ khi gặp triệu chứng thần kinh.
- Bất sản xương cùng: Một tập hợp các bất thường giảm sản hoặc bất sản xương cùng, thường gặp ở các bé có mẹ mắc bệnh tiểu đường. Triệu chứng thường gặp là gối gập, có màng ở khoeo, khớp háng trật và co rút gập, vẹo cột sống, bàn chân khoèo. Dị tật bất sản xương cùng điều trị thường rất khó khăn và phụ thuộc vào biến dạng và tình trạng vận động của trẻ. Kết hợp các tiểu phẫu thuật với dụng cụ trợ vận động, nẹp chỉnh hình... tùy từng bệnh nhân.
- Lộ bàng quang: Dị tật bẩm sinh, khung chậu không đóng phía trước dẫn đến toác khung chậu và lộ bàng quang. Khi điều trị thường không cần do các tật chỉnh hình không nặng đến mức phải trị. Đôi khi cần đục xương chậu sửa trục trong quá trình tái tạo bàng quang để giúp đóng vết mổ.
Bệnh vẹo cột sống ở trẻ
Theo bác sĩ Hà, vẹo cột sống có thể hiểu là cột sống biến dạng trên 10 độ trong mặt phẳng đứng ngang. Trong thực tế, có vẹo theo cả mặt phẳng nằm ngang và mặt phẳng đứng dọc. Vẹo cột sống có thể xuất hiện trong nhiều thành viên gia đình, mang yếu tố di truyền. Vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân:
- Thứ phát: Co thắt cơ, chênh lệch hai chân, rối loạn chức năng cơ.
- Bẩm sinh: Không phân đoạn đốt sống, các bệnh mô thần kinh
- Rối loạn chuyển hoá và do các bệnh thần kinh cơ.
- Chấn thương, u xương...
- Nguyên nhân vô căn...
Để đánh giá được mức độ vẹo cột sống, trẻ cần được khám sàng lọc, hỏi bệnh sử và khám lưng. Cần thiết hơn là chụp X-quang và đo đạc chi tiết.
Vẹo cột sống ở trẻ có những dạng sau:
- Vẹo cột sống bẩm sinh: Hậu quả của những bất thường từ giai đoạn bào thai. Các dị tật bẩm sinh về cột sống có thể gây ra nhiều dạng cong vẹo cột sống. Xương bị khiếm khuyết, đường cong trở nên nặng là đường có có phần xương không phân đoạn ở một bên, khiến một bên phát triển bình thường, một bên hạn chế tăng trưởng.
Tuỳ theo mức độ, dạng vẹo và tốc độ tiến triển mà có phương pháp điều trị khác nhau, gồm: quan sát và theo dõi sự tiến triển, cách 3 tháng cho trẻ tái khám một lần trong 3 năm, tiếp tục theo dõi đến khi dậy thì. Hoặc dùng áo nẹp có hiệu quả với vẹo bẩm sinh có đường cong dài và mềm dẻo.
Phương pháp can thiệp phẫu thuật với mục đích là đạt được sự cân bằng cơ thể và cột sống, phòng ngừa các triệu chứng thần kinh. Một nửa số trẻ bị vẹo cột sống bẩm sinh cần được phẫu thuật với các biện pháp như: hàn xương khu trú tại nơi vẹo, cắt đốt sống tật phân nửa, đặt dụng cụ và hàn xương, cắt xương sống và đặt dụng cụ nắn chỉnh, hàn xương nửa cột sống bên lồi.
- Hội chứng lồng ngực kém phát triển: Hội chứng này có thể kèm theo vẹo cột sống bẩm sinh khiến xương sườn dính vào nhau, lồng ngực không hỗ trợ phổi tăng trưởng và hỗ trợ hô hấp được bình thường. Có thể điều trị bằng phương pháp sử dụng xương sườn giả bằng titan để mở lồng ngực bên hẹp, giúp cho cột sống đoạn ngực và khung sườn tăng trưởng.
- Vẹo cột sống vô căn: Đây là biến dạng cột sống phổ biến nhất, hiện chưa phát hiện ra nguyên nhân của vẹo cột sống vô căn, nhưng theo các chuyên gia, có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Dị tật này được phân loại theo tuổi khởi phát gồm: nhũ nhi (trẻ dưới 3 tuổi), thiếu nhi (khởi phát khi trẻ từ 3-10 tuổi), thiếu niên (sau 10 tuổi cho đến khi trưởng thành).
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, bệnh có thể điều trị qua việc theo dõi, áo nẹp, hoặc phẫu thuật. Khoảng 90% các đường cong cột sống ở mức nhẹ, chỉ cần theo dõi. Mục tiêu là tránh điều trị không cần thiết, giảm tai biến khi phải điều trị và ngăn chặn các vẹo phát triển, nắn sửa đường cong có tác hại đến chức năng, sự phát triển của cơ thể.
"Trấn an là một phần quan trọng của điều trị. Tránh dùng từ vẹo cột sống khi đường cong nhẹ, mà thay vào đó hãy nói 'thân người mất cân đối nhẹ'. Điều này sẽ làm phụ huynh và chính đứa trẻ sẽ đón nhận nhẹ nhàng hơn và giảm lo lắng", bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà chia sẻ.
Đối với vẹo cột sống vô căn, nguyên tắc chung trong điều trị gồm 3 phần:
- Theo dõi khi đường cong dưới 25 độ: Nếu bệnh nhân đã trưởng thành, theo dõi và tái khám khi có triệu chứng cơ năng. Nếu bệnh nhân chưa trưởng thành, 6 tháng 1 lần chụp X-quang và đánh giá.
- Áo nẹp: dành cho bệnh nhân chưa trưởng thành và vẹo từ 25-40 độ.
- Phẫu thuật: chỉ định khi bệnh nhân chưa trưởng thành vẹo trên 40 độ và trên 50 độ nếu đã trưởng thành.
Thảo Trang