Với hơn 30 năm nghiên cứu và khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân cơ xương khớp, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không ngừng nghiên cứu tìm ra những phát hiện mới về cơ chế gây bệnh mang tính hệ thống và điều trị bằng công nghệ sinh học hiện đại. Bà luôn tận tâm với người bệnh, mong mỏi được chữa bệnh với phương pháp đơn giản, hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất những tác dụng không mong muốn của thuốc vào cơ thể.
Hồi phục khả năng vận động cho bệnh nhân cơ xương khớp
Bác sĩ Đặng Hồng Hoa chia sẻ, Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh lý cơ xương khớp cao nhất thế giới. Số người mắc bệnh cơ xương khớp đã tăng khoảng 20% và một hiện thực đáng báo động là xu hướng trẻ hóa của những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do ảnh hưởng của lối sống hiện đại.
Cũng theo bác sĩ Hồng Hoa, nhiều bệnh nhân bị tổn thương xương khớp có cơ hội phục hồi vận động và bảo tồn sức khỏe sinh sản nhờ những ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong điều trị nội khoa sớm và đúng cách, đặc biệt là bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, các bệnh của hệ thống miễn dịch...
Như trường hợp của chị Nguyễn Thu Phương (Hưng Yên) và Trần Thị Duyên Thanh (Hải Phòng) - hai bệnh nhân đã được bác sĩ Đặng Hồng Hoa phát hiện đúng bệnh và điều trị thành công.
Sau sinh con gái đầu lòng được 2 tháng, chị Thu Phương thấy khớp tay có biểu hiện sưng đỏ. Vì đang còn nuôi con bằng sữa mẹ nên chị chần chừ thăm khám. Càng ngày, cơ thể chị càng suy nhược, cho đến khi không thể vận động bình thường, thậm chí không thể tự buộc tóc, tự tắm gội, không thể ẵm bồng, chăm sóc con... chị mới tìm đến bác sĩ. Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở tình trạng nặng, toàn bộ khớp ở bàn tay, bàn chân, khớp gối, khớp khuỷu... đau đớn. Chị không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn.
Tương tự chị Phương, sau khi cưới được 3 tháng, chị Duyên Thanh (Hải Phòng) đã nhiều lần mang thai nhưng khi thai được 7-8 tuần đều bị thai lưu hay phù nề phải bỏ thai. Nghĩ mình có vấn đề về sức khỏe sinh sản, chị Thanh tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để khám hiếm muộn nhưng không tìm được nguyên nhân. Đến khi chị có biểu hiện cứng ngón tay, khó cầm nắm đồ vật, tìm đến bác sĩ Đặng Hồng Hoa để khám, chị được chẩn đoán bị xơ cứng bì, đây cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến tình trạng thai lưu nhiều lần.
Sau một thời gian thăm khám và điều trị, bệnh lý đã cải thiện rõ rệt, chị Phương và chị Thanh đều có "tin vui".
"Ngày bệnh nhân gọi điện báo tin có thai cho tôi, tôi đã khóc vì vui mừng. Đó không chỉ là thành quả của sự nỗ lực của người thầy thuốc mà còn là kỳ tích cho tinh thần bền bỉ, kiên trì của bệnh nhân. Thật cảm động khi không chỉ giúp hồi sinh vận động cho bệnh nhân mà còn mang đến cho họ thiên chức làm mẹ cao cả", Phó giáo sư Hồng Hoa nhớ lại.
"Nhờ công nghệ sinh học, cơ chế gây ra các bệnh viêm khớp dạng thấp hay bệnh lupus ban đỏ hệ thống, thậm chí là bệnh thoái hóa khớp, hay loãng xương đã được phát hiện chính xác, từ đó điều trị nhắm đích với các liệu pháp từ công nghệ sinh học như tế bào gốc, huyết tương và tiểu cầu... tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể để cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh", bà chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Hồng Hoa, bệnh cơ xương khớp không chỉ là đau chân, đau tay. Bất kỳ một biểu hiện nhỏ của xương khớp thôi cũng phải đề phòng đến các bệnh lý và vấn đề khác mang tính chất toàn thân, hệ thống. Đó có thể là bệnh xuất phát từ hệ thống vận động, nhưng cũng có thể bắt nguồn từ nơi khác. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị toàn diện bệnh lý cơ xương khớp phải bao gồm theo dõi luôn những cơ quan khác, những cơ chế gây bệnh khác nội tại trong cơ thể.
30 năm nghiên cứu về cơ xương khớp
Với hơn 30 năm nghiên cứu về cơ xương khớp, cùng kinh nghiệm thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Hồng Hoa đã tìm thấy cơ chế gây ra các bệnh lý cơ xương khớp mang tính hệ thống, từ đó xây dựng phác đồ điều trị trúng đích, hiệu quả.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hà Nội , bác sĩ Đặng Hồng Hoa đã chọn lĩnh vực cơ xương khớp. Bên cạnh thời gian cho các hoạt động khám chữa bệnh, tìm tòi phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất, bác sĩ Hồng Hoa còn dành thời gian nghiên cứu khoa học, trong đó phải kể đến các đề tài sáng giá như: "Đánh giá hiệu quả của Rituximab (MabThera) trong điều trị Viêm khớp dạng thấp: nhân 4 trường hợp"; "Một số đặc điểm lâm sàng và X-quang của bệnh Hư khớp gối"; "Nghiên cứu hình thái cột sống thắt lưng và khớp háng của người bình thường trên phim X-quang thường quy"...
Năm 2008, bác sĩ Hồng Hoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 8 năm sau, bà được công nhận chức danh Phó giáo sư. Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa cũng được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2010, cùng bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2017 và nhiều bằng khen cấp tỉnh, cấp bộ, cấp cơ sở...
Hiện nay, bác sĩ Đặng Hồng Hoa là Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và nắm giữ nhiều vị trí khác như ủy viên Ban chấp hành Hội thấp khớp học Việt Nam, Thư ký hội Thấp khớp học Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội loãng xương Hà Nội, Thành viên Hội Nội khoa Việt Nam... Bác sĩ đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp cơ sở, có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Không những thế, Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa còn là người "truyền lửa" cho nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh tại Đại học Y Hà Nội.
Với công nghệ sinh học hiện đại, bác sĩ Đặng Hồng Hoa mong muốn sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều kỳ tích, phát hiện những nguyên nhân nội tại sâu xa mang tính hệ thống, toàn thân gây ra những bệnh lý cơ xương khớp và điều trị trúng đích, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường. Với những đóng góp và cống hiến, bà được nhiều người gọi là "nữ anh hùng áo trắng" ngành cơ xương khớp.
Thảo Trang
Để đặt lịch khám với Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa, khách hàng có thể điền thông tin tại đây, hoặc liên hệ:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789