Thành phố theo dõi mọi chuyển động của du khách, bất kỳ khi nào họ di chuyển. Mục tiêu mà chính quyền muốn hướng tới là thay đổi ngành du lịch theo hướng tốt hơn trong tương lai, đặc biệt khi có sự xuất hiện của Covid-19. Họ muốn tạo ra hồ sơ về những người đến thăm Venice, biết chính xác những ai đang trong thành phố và họ đi đâu, do thành phố có lượng khách chính là dân phượt.
Nơi theo dõi du khách là một tháp điều khiển hiện đại trên đảo Tronchetto, nằm cạnh cây cầu dài hơn 3,2 km nối thành phố với đất liền. Phòng kiểm soát này mở cửa vào tháng 9/2020, được tu sửa từ một nhà kho bị bỏ hoang từ những năm 1960. Nơi này giờ là một phần của trụ sở mới của cảnh sát thành phố và chính phủ.
Tòa nhà có văn phòng cho thị trưởng cùng các quan chức khác, một phòng điều khiển thông minh được ví như "ngân hàng màn hình" với hình ảnh trực tiếp từ mọi khu vực. Cảnh sát chịu trách nhiệm giám sát.
Marco Bettini, giám đốc Venis - công ty công nghệ đa phương tiện xây dựng hệ thống theo bước chân du khách, cho biết, phòng điều khiển là bộ não của thành phố. Chính quyền có thể nắm rõ từng thời điểm có bao nhiêu người, tại mỗi khu vực và các du khách đó đến từ quốc gia nào. Bên cạnh đó là các dữ liệu về tình hình giao thông, như có bao nhiêu chiếc thuyền đi qua cầu chính tại Piazzale Roma, lối vào chính của thành phố. Ví dụ, trước khi vùng Veneto bước vào một đợt bán phong tỏa cho đến nay, đã có 13.628 người vào Venice và 8.548 người đã rời đi. 8h ngày 13/1, 1.688 người đã đến Piazzale Roma (cửa ngõ vào thành phố) bằng đường bộ và xe điện. Vào 10h, lượng khách lên đến đỉnh điểm là 2.411 người.
Cũng qua công cụ theo dõi này, chính quyền phát hiện ra lượng người đi bộ ban ngày rất lớn. Đây là một thông quan trọng vì Venice phần lớn được ghé thăm là các phượt thủ và khách nghỉ dưỡng từ các vùng khác gần đó. Họ không qua đêm tại thành phố, nên chính quyền không có số liệu về họ. Những vị khách ban ngày thường hiếm khi chi tiêu ở đây vì họ mang theo đồ ăn. Họ xả rác, dã ngoại bất hợp pháp trên cầu, thuyền... Do vậy, việc đếm số lượng những người đi lại trong ngày, theo dõi nơi họ thích ghé thăm là những thông tin rất quan trọng.
Hệ thống không chỉ đếm số lượng khách qua camera, mà còn kết hợp với TIM (Telecom Italia, nhà cung cấp viễn thông lớn nhất nước) để xác định họ là ai và họ đến từ đâu.
Số liệu theo dõi này chỉ ra Venice hiện có 36% du khách đến từ Đức, tiếp đó là Thụy Sĩ với 16% và người Anh chiếm 13%. Khách Mỹ chiếm 1,312%. Con số này tuy ít, nhưng vẫn khiến giới chức bất ngờ vì khách Mỹ vẫn đang bị cấm vào liên minh châu Âu, nhưng số lượng tới Venice lại nhiều. Tính đến nay, có 85.000 người tới Venice.
Hệ thống theo dõi này được xây dựng trong 3 năm, kinh phí 3,5 triệu USD. Ngoài ra, nó còn có khả năng theo dõi tốc độ di chuyển của khách (đi bộ hay chạy), mực nước thủy triều trên khắp đầm phá để kích hoạt rào chắn lũ Mose. Dù vậy, nó đang vấp phải nhiều làn sóng phản đối liên quan đến quyền riêng tư. Nhưng các nhà chức trách khẳng định, họ chỉ quản lý thông tin di chuyển và không có dữ liệu cá nhân nào được ghi lại và khách du lịch không bị theo dõi như tội phạm.
Venice g từng có tên gọi là La Serenissima hay The Most Serene. Nhiều năm trở lại, thành phố 50.000 dân luôn đông đúc, ồn ào do gần 30 triệu du khách đổ về mỗi năm. Trước đại dịch, khách du lịch đến đây đông đến mức khó có thể kiểm soát, lấp kín đường phố chính và trên các xe buýt đường thuỷ vaporetto. Năm 2021, Venice kỷ niệm thành lập 1.600 năm.
Anh Minh (Theo CNN)