"Tổng thống Nicolas Maduro đã thông báo chính thức về việc xin gia nhập BRICS. Bộ Ngoại giao Venezuela đã gửi đi đề nghị liên quan", Phó tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez nói ngày 3/8.
Bà Rodriguez nhấn mạnh Venezuela sẵn sàng cung cấp "các mỏ dầu lớn nhất thế giới để phục vụ ủy ban năng lượng BRICS". Caracas sẽ hỗ trợ quá trình phát triển "các mối quan hệ hợp tác" và "sự thiết lập một thế giới đa cực mới".
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch, dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối tại thành phố Johannesburg ngày 22-24/8.
Nam Phi tháng 7 cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn hoặc quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Việc mở rộng khối đến mức nào là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Giới chức Nam Phi muốn BRICS trở thành khối mạnh nhất của các nước đang phát triển.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/8 cho biết mở rộng BRICS là chủ đề quan trọng. Tuy nhiên, ông thừa nhận đang có "những sắc thái nhất định" giữa 5 thành viên.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Brazil đang là bên phản đối mở rộng BRICS do lo ngại vị thế của khối bị ảnh hưởng. Hơn 20 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS, gần đây là Belarus và Algeria. Trong khi đó, Trung Quốc có quan điểm ngược lại với Brazil.
Nga không công khai lập trường về mở rộng BRICS nhưng cũng không phản đối ý tưởng này. Ngoại trưởng Sergey Lavrov hồi tháng 6 nói việc BRICS ngày càng thu hút các nước khác là biểu tượng của "sự phát triển thế giới đa cực". Pavel Knyazev, đại diện Nga tại BRICS, nói tiêu chí và quy trình kết nạp thành viên mới đang được thảo luận và cần có sự đồng thuận.
Như Tâm (Theo TASS, Reuters)