"Chúng tôi tiếp nhận 900 đơn của nông dân xã Phước Thái, Long Thọ, Mỹ Xuân, huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, tất cả đều không có những cơ sở đưa ra để tính toán thiệt hại của mình, kể cả các chủ đầm tôm cũng không có giấy tờ gì ngoài giấy thuê mướn đất, làm đầm nuôi tôm", ông Trần Văn Khanh, luật sư của Vedan mở đầu.
Dựa vào những lá đơn này, ông Khanh phân tích, không thể tính toán theo kiểu, anh thường xuyên đánh bắt cá thu 300.000 đồng một ngày, nhân với 365 ngày trong năm ra thiệt hại. "Chúng tôi không trốn tránh, nhưng bồi thường phải có thiệt hại cụ thể, rõ ràng", luật sư của Vedan nói.
Cuộc họp sáng nay giữa Vedan với Hội nông dân TP HCM thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn. Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang (ngồi thứ hai từ trái sang) xin thêm một cuộc họp cuối để thương lượng với nông dân. Ảnh: Kiên Cường |
Luật sư tiếp tục bảo vệ quan điểm của Vedan: "Sông Thị Vải có hàng nghìn con người, hàng trăm doanh nghiệp xả thải, do đó nói rằng Vedan là tác nhân chính làm ô nhiễm sông thì không chính xác".
Thêm nữa, theo Vedan, cách tính thiệt hại của Viện Môi trường tài nguyên; một năm nhân với 14 (tính từ năm 1994 đến 2008) là không đúng, mà phải tính thiệt hại từng năm rồi cộng lại. Nguyên tắc là hành vi vi phạm phải tính từ thời điểm bị phát hiện, không thể suy đoán ngày vi phạm rồi nhân với 14 năm.
Luật sư đại diện cho nông dân TP HCM Nguyễn Văn Hậu phản bác: "Theo luật, có thiệt hại là phải bồi thường, nếu không chúng tôi phải khởi kiện và buộc Vedan bồi thường". Quá bức xúc, luật sư Hậu đề nghị dừng cuộc họp, mặc dù chỉ mới bắt đầu được 15 phút.
Đại diện Vedan phải nhượng bộ, đồng ý thay đổi mức hỗ trợ cho nông dân TP HCM từ 7 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng. Công ty này cũng đề nghị tính toán lại diện tích 21.000 ha bị ảnh hưởng bởi xả thải cũng như mật độ cá trong một km2.
Ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ khẳng định mức yêu cầu bồi thường cuối cùng cho Cần Giờ là 32 tỷ đồng (Viện Tài nguyên môi trường trước đó đưa ra 45,7 tỷ đồng), nếu không thỏa thuận được sẽ khởi kiện. Cơ sở cho con số này dựa trên những tính toán như giá thủy sản bình quân là 45.000 đồng một kg và mật độ cá trên một km2 là 77,72 tấn. Thiệt hại về đánh bắt Vedan gây ra trong 14 năm tương đương 27 tỷ đồng, ảnh hưởng nuôi trồng gần 5 tỷ đồng.
"Nông dân không có tư tưởng thấy Vedan bị lỗi thì kê khai để đòi tiền, cũng không trục lợi hay ban ơn trong vụ việc này", Chủ tịch Hội nông dân TP HCM tuyên bố.
Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang xin thêm một cuộc gặp mặt nữa vào ngày 22/7 để thương lượng lần cuối với Hội nông dân và UBND huyện Cần Giờ.
Công ty bột ngọt Vean bị phát hiện xả thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải vào tháng 9/2008, cho đến nay chưa bồi thường gì cho người dân bị ảnh hưởng. Hiện Hội nông dân TP HCM đã sẵn sàng hỗ trợ nông dân 200 triệu đồng tiền tạm ứng án phí để khởi kiện Vedan Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến ngày 25/7 sẽ đưa đơn ra tòa, ngay trước khi hết thời hiệu khởi kiện (sau 2 năm kể từ khi xảy ra vụ việc). Riêng Hội nông dân Đồng Nai đã hủy dự định khởi kiện, tiếp tục đàm phán thỏa thuận bồi thường với Vedan. |
Kiên Cường