Bất ngờ xuất hiện trong cuộc họp nội bộ của UBND TP HCM chiều 15/7 với hội nông dân thành phố bàn về việc chuẩn bị khởi kiện Vedan, Tổng giám đốc Yang Kim Hsiang tiếp tục cho rằng cách tính toán mức thiệt hại của nông dân TP HCM liên quan đến việc công ty này xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải, là thiếu cơ sở.
Theo đó, người điều hành Vedan cho rằng, mức thiệt hại thực tế đối với nông dân TP HCM là 1,7 tỷ đồng, chứ không phải 45,7 tỷ đồng như Viện Môi trường đưa ra. Ông Yang Kim Hisiang đưa ra 3 lập luận: thứ nhất, mức thiệt hại đã được tính toán trên cơ sở giá 21.000 đồng một kg thủy sản; thứ hai Vedan chỉ gây ảnh hưởng ô nhiễm tại huyện Cần Giờ (TP HCM) dưới mức 10%. Quan trọng nhất, theo ông Yang, là lập luận thứ 3: đến nay công ty vẫn chưa nhận được các tài liệu của các địa phương bị ô nhiễm gửi về cho mình.
Ý kiến này của Tổng giám đốc Vedan khiến lãnh đạo TP HCM, hội nông dân và đại diện Viện môi trường bức xúc.
“Vedan tính giá đền bù 21.000 đồng cho một kg thủy sản, trong khi giá trị trung bình thực tế khoảng 50.000 đồng một kg, do đó sai lệch lớn về tổng giá trị gây thiệt hại nặng cho nông dân”, ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Môi trường Tài nguyên phân tích.
Vedan đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, xả nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải. Ảnh: Thiên Chương |
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Trung Tín cũng cho rằng mức bồi thường 1,7 tỷ đồng của Vedan là vô lý: “Giá thủy sản ở Cần Giờ trong năm ít nhất cũng 40.000 một kg, vậy 1,7 tỷ đồng chỉ tương đương khoảng 17 tấn tôm. Không lẽ trong 14 năm, hàng nghìn hộ nông dân Cần Giờ chỉ đánh bắt được 17 tấn tôm", ông Tín nói.
Về lập luận vùng, diện tích và mức độ gây thiệt hại, theo ông Phước, Viện đã sử dụng những công cụ khoa học, mô hình tính toán, từ năm 1994 đến nay, ở khu vực Cần Giờ có vùng ô nhiễm nghiêm trọng là hơn 520 ha, vùng ô nhiễm 1.600 ha. Trên cơ sở đó, Viện đề nghị mức Vedan phải chịu trách nhiệm cho vùng ô nhiễm nghiêm trọng là 30,3%, vùng ô nhiễm 10,1%.
Dựa trên phạm vi ô nhiễm đó, địa phương hướng dẫn cho người dân thống kê đánh giá diện tích nuôi trồng, thiệt hại phải đền bù. Từ năm 1994 đến 2008, diện tích này được nhân với số năm sẽ ra diện tích thiệt hại cần bồi thường. “Vedan chỉ chịu đền bù trên diện tích mặt nước nuôi trồng và bồi thường trong một năm”, ông Phước bức xúc.
Hội nông dân TP HCM cũng phản ứng với kiểu "cãi chày" của Vedan, cho rằng doanh nghiệp này cố tình kéo dài thời gian để không đền bù cho nông dân. “Hội đã nhiều lần liên hệ làm việc với Vedan để cung cấp tài liệu chứng cứ nhưng đều bị từ chối”, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịch Hội nông dân TP HCM đưa ra công văn từ chối của công ty này.
Trước những biểu hiện thiếu thiện chí từ Vedan, đại diện Hội nông dân khẳng định sẽ khởi kiện nếu không đạt được thỏa thuận. Phía Vedan xin thêm một cuộc họp cuối cùng vào tuần sau với UBND TP HCM. “Nếu không thống nhất trong buổi họp cuối này, chúng tôi buộc phải khởi kiện”, ông Tín tuyên bố.
Gần hai năm trước, tháng 9/2008, Công ty bột ngọt Vedan bị phát hiện xả thải thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải. Sự việc này gây bức xúc lớn trong dư luận. Từ đó đến nay, công ty này vẫn chưa bồi thường bất cứ khoản nào cho nông dân sống ở dọc sông Thị Vải, kéo dài qua 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, Hội nông dân TP HCM đã sẵn sàng hỗ trợ nông dân 200 triệu đồng tiền tạm ứng án phí để khởi kiện Vedan. Công tác xúc tiến khởi kiện của nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được gấp rút tiến hành. Dự kiến ngày 25/7 sẽ đưa đơn ra tòa, vì đã hết thời hiệu khởi kiện (2 năm kể từ ngày xảy ra sự cố).
Trong khi đó, Hội nông dân Đồng Nai đã tuyên bố rút lui khỏi vụ kiện, tiếp tục đàm phán thỏa thuận bồi thường với Vedan.
Thanh Nhật