Trao đổi với báo chí chiều 17/5, ông Bùi Cách Tuyến Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, theo văn bản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức thiệt hại mà nông dân tỉnh này gánh chịu do việc xả thải không qua xử lý của Vedan là 53 tỷ đồng.
TP HCM cũng vừa chốt con số thiệt hại 45 tỷ. Riêng tỉnh Đồng Nai vẫn chưa đưa ra được con số cụ thể. Tuy nhiên, các con số đưa ra thấp hơn nhiều so với mức hàng trăm tỷ đồng mà các địa phương tính toán trước đây.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, các con số này được đưa ra sau khi tính toán chi tiết về tác động của việc xả thải không qua xử lý của Vedan trong nhiều năm đối với các địa phương.
Trong buổi làm việc cuối năm 2009, Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang chối bỏ việc Vedan là thủ phạm chính "giết" sông Thị Vải dù các nghiên cứu đều khẳng định công ty đóng góp 90% việc biến Thị Vải thành "dòng sông chết". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cũng theo ông Nguyên, về nguyên tắc, việc người dân đòi đền bù, khởi kiện Vedan là vụ kiện dân sự. "Việc giải quyết sẽ do tòa phân xử giữa người dân và Vedan. Bộ chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ", ông Nguyên nói.
Dù vậy, ông Nguyên khẳng định, do tính chất phức tạp của vụ việc, cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam nên Bộ sẽ "có trách nhiệm đến cùng". "Đền bù cho dân chưa xong thì trách nhiệm của Bộ chưa hết. Nếu Vedan chưa chấp thuận phương án đền bù thì Bộ sẽ tiếp tục có giải pháp", ông Nguyên nói.
Trước đó, trong đợt làm việc tại Hà Nội với Tổng cục Môi trường và 3 tỉnh nói trên vào tháng 12/2009, Vedan đã chối bỏ việc "giết" sông Thị Vải. Mặc dù các nghiên cứu khẳng định Vedan đóng góp 90% việc biến Thị Vải thành "dòng sông chết" nhưng công ty này đòi "tính toán lại mức độ gây ô nhiễm".
Riêng về việc khắc phục ô nhiễm của Vedan được Tổng cục Môi trường đánh giá nghiêm túc, đúng pháp luật.
Cũng trong ngày 17/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành giao lưu trực tuyến định kỳ với người dân khắp cả nước. Đây là lần thứ 10 Bộ này tổ chức hình thức đối thoại qua Internet với người dân. Buổi đối thoại có sự tham gia của sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Vấn đề người dân quan tâm nhất vẫn là đất đai (chiếm gần 60% trong khoảng 1.000 câu hỏi), tiếp đến là môi trường (10%).
Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30 km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn. Tháng 9/2008, Công ty Vedan bị cảnh sát môi trường phát hiện xả nước thải chui ra sông Thị Vải trong nhiều năm gây nên bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2009, công ty này bất ngờ được nhận giải thưởng "Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng" do Ban tổ chức "trao nhầm" khiến dư luận hết sức bức xúc, giải bị thu hồi. Hiện Vedan đã hoàn tất khoản 127 tỷ tiền phí bảo vệ môi trường và phạt hành chính 267 triệu đồng. Tuy nhiên, việc đền bù cho người dân chịu ảnh hưởng trong lưu vực sông Thị Vải đến nay vẫn chưa được giải quyết. |
Nguyễn Hưng