- Sau cuộc họp ngày 11/12, Vedan đã đạt được thống nhất gì với các nhà khoa học và đại diện môi trường VN?
- Chúng tôi thỏa thuận với Viện Môi trường Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP HCM) và các nhà khoa học về vấn đề Vedan gây ô nhiễm trên khoảng chiều dài 10-11 km dòng chính sông Thị Vải. Vedan sẽ bàn bạc tiếp với Viện về chi tiết phạm vi ô nhiễm để trình với Bộ Tài nguyên Môi trường và cố gắng công bố sớm việc này.
Sau đó, các tỉnh, huyện căn cứ vào phạm vi và mức độ ô nhiễm để có cơ sở tính toán thiệt hại kinh tế.
Ông Yang phản bác những kết luận do các nhà khoa học VN đưa ra trong buổi họp sáng 11/12. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Trong quá trình tính toán mức độ gây ô nhiễm, phía công ty tham gia rất nhiều buổi làm việc với Viện Môi trường. Vậy tại sao khi công bố tỷ lệ gây ô nhiễm 89% của Vedan thì các ông lại không đồng ý?
- Vấn đề là mô hình tính toán thiệt hại. Chúng tôi hoàn toàn không bàn bạc với Viện Môi trường Tài nguyên. Con số này phía Vedan cần phải xác định lại.
- Tuy nhiên, trong buổi làm việc sáng 11/12, ông đã thừa nhận mô hình do đơn vị này thực hiện đủ mang tính đại diện. Vậy cơ sở nào để Vedan phản bác?
- Vedan thừa nhận phạm vi ảnh hưởng trên khoảng 11 km dòng chính Thị Vải và đề xuất ảnh hưởng khoảng 2 km với các nhánh sông. Phạm vi này được kết luận thông qua các tài liệu giám sát nhiều năm. Ở kết luận này, quan điểm phía Vedan rất tiếp cận với các nhà khoa học Việt Nam.
Về con số phần trăm mức độ gây ô nhiễm, tôi không nói là không thừa nhận nghiên cứu do Viện Môi trường công bố, song cần tính toán và xác nhận lại. Điểm này chúng tôi cần thảo luận tiếp. Với các kết luận đạt được của cuộc họp ngày 11/12, chúng tôi sẽ tuân thủ và căn cứ vào đó để thực hiện.
Các nhà khoa học VN khẳng định sẵn sàng công bố số liệu, kết quả quan trắc, giám sát hàng năm để xác định mức độ “bức tử” của Vedan với sông Thị Vải. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Sau khi bị phát hiện xả trộm vào năm 2008, Vedan đã tính toán phạm vi và mức độ ô nhiễm do công ty gây ra ở sông Thị Vải như thế nào để đối chiếu với số liệu do các nhà khoa học VN công bố?
- Trong thời gian đó, chúng tôi đã thu thập một số tài liệu khoa học và tài liệu giám sát làm căn cứ để đưa vào những mô hình và ra các con số do Vedan tính toán. Tuy nhiên các con số đưa ra chưa thống nhất với công bố của các nhà khoa học VN. Đây là điểm mà 2 bên cần tiếp tục làm việc.
- Vậy nghĩa vụ bồi thường và hỗ trợ người dân chịu thiệt hại do Vedan gây ra sẽ được thực hiện thế nào?
- Chúng tôi mong muốn sớm được thực hiện việc bồi thường và hỗ trợ người nông dân về thiệt hại.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP HCM): “Trong quá trình tính toán xác định con số mức độ gây ô nhiễm đã có khoảng 20 cuộc họp kỹ thuật được tiến hành giữa Viện Môi trường và Vedan. Các chuyên gia đại diện cho Vedan tham gia và thừa nhận các kết quả, con số.Tuy nhiên khi công bố, trước nhiều cơ quan chức năng và đại diện của người nông dân, Vedan lại cố tình lập luận theo hướng có lợi tối đa cho mình, đặc biệt ở con số “phần trăm mức độ gây ô nhiễm”. Do xác định “phần trăm” sẽ gắn với trách nhiệm để tính bồi thường nên phía Vedan rất thận trọng. Ví dụ người ta đưa ra thiệt hại 1.000 tỷ đồng thì Vedan phải chịu bao nhiêu phần. Từ trước tới nay, các cuộc họp lúc nào cũng rất căng thẳng về con số đó”. Cũng theo Viện Môi trường, khoảng 10-11 km như thừa nhận của Vedan là chỉ tính khu vực sông Thị Vải “hoàn toàn chết”, còn phạm vi ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường còn kéo dài hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: “Cần sớm kết luận con số về phạm vi và mức độ thiệt hại do Vedan gây ra. Trong trường hợp họ muốn đánh giá lại cần đặt khung thời hạn, nếu Vedan cố tình kéo dài thì sẽ khởi kiện”. |
Nguyễn Hưng