"Đúng vậy, đó là vaccine nhập lậu, vì chúng chưa được cấp phép, chỉ chính phủ mới có quyền cấp phép", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời phóng viên hôm nay khi được hỏi liệu có phải vaccine đã được nhập lậu vào trong nước.
Theo Lorenzana, các thành viên Nhóm An ninh Đặc biệt của Tổng thống (PSG) đã được tiêm vaccine mà không có sự cho phép của chính phủ và ông cũng không được biết việc này. Tin tức PSG được tiêm chủng đầu tháng 9 đã gây xôn xao bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chưa phê duyệt bất cứ loại vaccine nào.
"Họ cần giải thích vì họ đã vi phạm quy định của FDA", Lorenzana nói, song cũng cho rằng điều này là hợp lý bởi việc đó sẽ bảo vệ họ không bị lây nhiễm, đồng thời giúp họ có thể bảo vệ Tổng thống.
Chuẩn tướng Jesus Durante, người đứng đầu PSG, hôm qua nói rằng một số thành viên của đơn vị đã tự tiêm vaccine Covid-19 "một cách thiện chí" và Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ được thông báo sau đó. Durante nói đơn vị không thể chờ sự phê duyệt, song không cho biết cách họ có được vaccine hay loại vaccine nào đã được sử dụng.
Cả FDA và Bộ Y tế hôm 28/12 đều cảnh báo phản đối việc sử dụng vaccine chưa được phê duyệt và việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán vaccine chưa được phê duyệt là bất hợp pháp.
Nhóm nghị sĩ cánh tả Akbayan Partylist phản đối việc các vệ sĩ được tiêm vaccine bởi họ cho rằng đây là cách "đối xử VIP" trong bối cảnh các chính quyền địa phương đang vật lộn để có ngân sách chống đại dịch Covid-19. Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á với hơn 471.000 ca nhiễm và gần 9.200 ca tử vong.
Khi được hỏi làm thế nào PSG có được vaccine và tên loại vaccine đã được sử dụng, Bộ trưởng Bộ Y tế Francisco Duque nói FDA đang điều tra. Giám đốc FDA Rolando Enrique Domingo cho biết nhóm của ông chưa hoàn tất báo cáo.
Đầu tuần này, quan chức Philippines cho biết một số bộ trưởng và binh sĩ đã được tiêm vaccine Covid-19, nhưng với số lượng không lớn. Quan chức không cho biết loại vaccine được sử dụng.
Huyền Lê (Theo Reuters)