Jose, một cựu nhân viên tổng đài, khẳng định anh được phép đi qua khu phố này, nhưng mọi chuyện nhanh chóng leo thang. Một quan chức đánh vào đầu anh và dọa đưa anh tới đồn cảnh sát.
"Bạn không thể tin cảnh sát", Jose nói. "Sự việc còn có thể trở nên tồi tệ hơn".
Nhằm đối phó với Covid-19 ở Phlippines, bên cạnh các biện pháp phong tỏa và cách biệt cộng đồng, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang chuyển sang thực hiện chiến lược quyết liệt hơn, như bắt hoặc đe dọa sử dụng bạo lực với những người vi phạm quy định phòng chống dịch. Đây đều là những biện pháp từng được chính quyền Duterte áp dụng trong cuộc chiến trấn áp tệ nạn ma túy ở nước này.
Philippines đến nay ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm nCoV với gần 2.000 trường hợp tử vong.
"Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến đấu chống đại dịch với quyết tâm tương tự như chiến dịch trấn áp ma túy, tội phạm, nổi dậy và tham nhũng", Duterte hôm 27/7 tuyên bố trong bài phát biểu trước toàn quốc, thêm rằng phản ứng của chính phủ đã giúp ngăn chặn đến 3,5 triệu ca nhiễm nCoV.
Nhà chức trách đã bắt hàng nghìn người vi phạm lệnh giới nghiêm, đình chỉ các hoạt động nhân đạo, cứu trợ và giữ những người trong diện cách ly tại các cơ sở nơi mà cách biệt cộng đồng là điều bất khả thi. Hồi tháng 4, Tổng thống Duterte cho phép cảnh sát, quân đội và các quan chức quản lý khu phố bắn bất kỳ ai không tuân thủ lệnh phong tỏa. Tuần trước, ông yêu cầu cảnh sát bắt người ra đường mà không đeo khẩu trang, gọi đây là một "tội ác nghiêm trọng".
"Họ nghĩ họ được Tổng thống Duterte bật đèn xanh", Ana, mẹ của Jose, nói về các quan chức địa phương. Những người này đã phải thả con trai bà sau khi bà đe dọa sẽ có hành động pháp lý vì sự việc diễn ra với Jose ngày 28/4 ở ngoại ô thủ đô Manila.
Cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Duterte từng gây tranh cãi trong chiến dịch trấn áp ma túy tại Philippines. Chiến dịch từng khiến hàng nghìn người chết, trong đó các nhà hoạt động liên tục cảnh báo về hành vi giết người không qua xét xử của cảnh sát.
Trong thời gian Philippines áp đặt lệnh phong tỏa từ thời điểm dịch bùng phát dữ dội tới nay, các nhóm nhân quyền đã ghi nhận một số báo cáo về hành vi lạm dụng quyền lực và bày tỏ quan ngại về những chiến thuật trấn áp khác của chính quyền.
Cảnh sát Quốc gia Philippines báo cáo hơn 260.000 trường hợp "vi phạm giới nghiêm và bất tuân mệnh lệnh", trong đó khoảng 76.000 người đã bị bắt, từ 17/3 đến 25/7. Ủy ban Nhân quyền Philippines nhận được hơn 900 đơn khiếu nại trong cùng khoảng thời gian trên, chỉ tính riêng ở vùng đô thị Manila. Nhiều đơn khiếu nại đề cập tới hành vi tra tấn, bắt bớ, giam giữ, đối xử vô nhân đạo.
Guillermo Eleazar, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm của cảnh sát phụ trách giám sát thực thi các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19, từ chối bình luận. Trước đó, ông từng nói rằng cả cảnh sát và công chúng nên tôn trọng lẫn nhau.
Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines Archie Gamboa hồi tháng 4 cho biết cảnh sát sẵn sàng điều tra những cáo buộc về hành vi sai trái trong lực lượng và rằng tất cả các sĩ quan đều đã được nhắc nhở phải tuân thủ quy trình.
Một trong những biện pháp phòng dịch nhận về phản ứng trái chiều nhiều nhất là kế hoạch được Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Año công bố, cho phép cảnh sát tới từng nhà đưa người nghi nhiễm Covid-19 đến cơ sở cách ly của chính phủ.
Chính quyền sau đó quyết định không thực hiện đề xuất này, nhưng nó gợi nhớ về chiến dịch đột kích nhà nghi phạm ma túy trước đây, khi một số người bị cảnh sát bắn chết trong chính nhà mình.
Ý tưởng nhờ cộng đồng dân cư "tố giác" người nghi nhiễm lại gợi nhớ đến chiến lược "lập danh sách đen" nhằm bêu tên những người bị tình nghi sử dụng, buôn bán ma túy. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng cả hai biện pháp trên đều dễ tạo ra thông tin sai lệch và dễ bị thao túng.
Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte sau đó cho hay đây không phải chính sách chính thức và bệnh nhân không bị ép buộc vào cơ sở cách ly.
Dù vậy, vai trò của cảnh sát trong việc thực thi lệnh cấm ra khỏi nhà cũng bị hoài nghi.
Hồi tháng 4, một sĩ quan cảnh sát đã bắn chết một cựu quân nhân, người sau này được xác định là mắc chứng tâm thần phân liệt và rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Cảnh sát ban đầu nói rằng cựu quân nhân đã cố rút súng nhưng các điều tra viên quốc gia phát hiện ra rằng bằng chứng bị ngụy tạo. Viên sĩ quan cảnh sát và 4 người khác có mặt tại hiện trường bị buộc tội giết người và khai man.
Căng thẳng nảy sinh trong bối cảnh Covid-19 đang tàn phá nặng nề sinh kế của người dân Philippines. Những cuộc khảo sát gần đây do cơ quan thăm dò dư luận Social Weather Stations thực hiện cho thấy 5 triệu người dân Philippines đang rơi vào cảnh đói kém, 83% người tham gia khảo sát nói rằng chất lượng cuộc sống của họ giảm sút đáng kể trong năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp chạm mức kỷ lục 17,7% hồi tháng 4.
Dịch bệnh đang "tàn phá sức chịu đựng của người dân Philippines", Aries Arugay, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines, bình luận.
Sau cuộc chạm trán với các quan chức quản lý khu phố, Jose hạn chế đến khu vực này và không đi quá xa khỏi nhà, mặc dù lệnh phong tỏa đã được nới lỏng. Anh sợ rằng nếu mình bị đưa tới đồn cảnh sát một lần nữa, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. "Nơi này chẳng khác gì miền Tây hoang dã", Jose nói.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)