"Sau 15 năm làm thuê, ở trọ tại TP HCM, về quê tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, phải làm lại từ đầu. Tuy mức lương hiện tại chưa đến 10 triệu, nhưng bù lại, tôi có thời gian chăm sóc ba mẹ, làm vườn để thêm thu nhập. Dù không giàu có, nhưng cuộc sống thoải mái hơn rất nhiều".
Độc giả Thuận Lê chia sẻ về cuộc sống hiện tại như trên, sau bài viết Người nhập cư rời TP HCM.
Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, TP HCM thu hút 11,5% lao động di cư trên cả nước, đứng thứ hai ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau Bình Dương với 26,3%).
Theo Tổ chức di dân quốc tế IOM, lao động di cư trong nước có đóng góp to lớn vào sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị, đặc biệt là TP HCM, trong suốt hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, giờ đây, họ đang rời đi hoặc trong hành trình di cư không chọn thành phố là điểm đến lý tưởng.
Sau bài viết, nhiều độc giả chia sẻ chuyện rời phố về quê lập nghiệp. Độc giả trinhmuoidaklak
"Quê tôi ở Đắk Lắk, nếu hai vợ chồng làm nông nghiệp hoặc việc có mức lương thấp hơn ở TP HCM, thì sau khoảng chục năm cũng có dư để mua đất và xây được căn nhà.
Ở quê rộng rãi, thoải mái, con cái còn được ông bà chăm sóc giúp. Trong khi đó, ở TP HCM hay Bình Dương, dù lương cao hơn nhưng sau chục năm nhiều khi chỉ đủ để mua xe máy, điện thoại, còn ăn ở thì cực khổ. Vậy nên, việc về quê là điều nhiều người cân nhắc".
"Nếu là lao động có chuyên môn thì nên bám trụ thành phố với mức lương khoảng trên 10 triệu. Còn nếu là lao động không chuyên môn, thì nên về quê, vì giờ ở quê cũng có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Làm không tăng ca thì cũng được 6-7 triệu, có tăng ca thì có thể lên chục triệu. Với mức thu nhập này, sống ở quê dễ chịu hơn về mọi mặt", độc giả nickname lhthach82 nêu.
Với những người đã có gia đình, độc giả donggoran cho rằng ổn định cuộc sống càng quan trọng hơn:
"Khi còn trẻ, sống một mình thì ở trọ sao cũng được, nhưng có gia đình, con cái mà mãi ở trọ thì tội nghiệp cho các cháu khi phải sinh hoạt trong không gian chật hẹp.
Làm dư bao nhiêu cuối năm về quê cũng hết gần hết, nên làm công nhân thì nên chọn các khu công nghiệp xa trung tâm như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, nơi còn ít người để có cơ hội mua nhà đất và ổn định cuộc sống. Ở Sài Gòn làm công nhân thì cực vô cùng".
Cũng liên quan đến việc chọn nơi lập nghiệp, độc giả Hiền gợi ý:
"Nếu ai có ý định lên Đông Nam Bộ lập nghiệp, thì nên chọn Bình Dương hoặc Long An. Bình Dương có nhiều cơ hội việc làm và chi phí sinh hoạt rẻ hơn TP HCM nhiều. Một phòng trọ ở TP HCM có thể giá từ 2-2,5 triệu, trong khi ở Bình Dương (như khu vực Bàu Bàng phía bắc tỉnh) chỉ khoảng 800 nghìn đến 1 triệu.
Chi phí sinh hoạt nói chung cũng rẻ hơn. Ai lên Bình Dương từ sớm thì có lẽ bây giờ đã mua được đất, xây được nhà để an cư. Long An chưa phát triển bằng Bình Dương nhưng có tiềm năng như Bình Dương của 10-15 năm trước, rất đáng để tìm hiểu".
Độc giả Bùi Đoàn Chung nhận định:
"Nếu đến TP HCM chỉ để mưu sinh bằng các công việc tay chân đơn giản, thì đây là điều dễ hiểu. Ngày nay, chất lượng cuộc sống càng được coi trọng, với nhiều đòi hỏi hơn trước.
Sống ở thành phố lớn mang theo nhiều áp lực vô hình, trong khi các địa phương khác cũng có cơ hội việc làm nhờ vào tốc độ đô thị hóa tốt hơn và giao thông thuận lợi.
Tuy vậy, TP HCM vẫn có ưu thế về y tế, giáo dục, phát triển bản thân, và trải nghiệm cuộc sống hối hả. Đây là những điều các bạn trẻ nên thử trước khi quyết định nơi phù hợp.
Áp lực ở đâu cũng có, nhưng nếu kiên định và chăm chỉ thì cũng sẽ đến ngày hái quả ngọt. Tôi đã sống ở TP HCM 21 năm, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cũng dành nhiều tình cảm đặc biệt cho thành phố này".
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về địa chỉ email:bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp