Quê tôi là một vùng thuần nông, ngoài mấy sào ruộng thì không còn công việc phụ gì kiếm thêm tiền. Thanh niên cứ lớn lên là rủ nhau vào các khu công nghiệp ở Bình Dương mà kiếm việc, bao nhiêu người vào cũng không đủ. Làm công nhân nhà máy thì “mưa không đến mặt, nắng không đến mình”, nếu chịu khó tăng ca, một tháng lương tính ra cũng bằng cả gần tấn thóc ở quê, khi phải quanh năm vất vả lại phụ thuộc vào thời tiết.
Hơn chục năm trước, khi tốt nghiệp phổ thông trung học mà khả năng cũng như điều kiện gia đình không cho phép có thể thi đại học, thằng Hùng bạn tôi theo mấy đứa bạn lên đường Nam tiến vào miền đất hứa như bao lứa trai làng trước đó. Khác với những lời kể, những háo hức ban đầu khi vào làm công nhân giầy da là nỗi nhớ nhà da diết với những lo toan cho cuộc sống tự lập giữa chồn phồn hoa đông đúc. Một ngày làm việc trên mười tiếng đồng hồ, đêm về nằm lăn ra ngủ chen chúc trong cái phòng trọ nóng hầm hập của mùa khô, khi mà đáng ra ở quê hắn đang phải co ro trong cái rét của mùa đông mưa dầm miền Bắc. Nhiều đêm giật mình thức giấc trong giấc mộng mị về anh em, cha mẹ và quê hương thì hắn không bao giờ ngủ lại được và cứ thao thức đến tận sáng trong hoài niệm của quê nhà.
Những ngày không may bị cảm cúm phải nằm ở nhà là một cực hình về mặt tinh thần lẫn thể xác. Dãy nhà trọ vắng tanh không một bóng người, chỉ có tiếng thạch sùng tắc lưỡi trong sự cô đơn không có người thân bên cạnh chăm sóc, nhiều lúc tủi thân không muốn khóc mà nước mắt trào ra nhạt nhòa. Nhớ lắm khi còn nhỏ, những lúc ốm đau là được thầy u sờ trán xem nóng lạnh rồi đi mua thuốc, nấu cháo, mua quà về động viên dỗ dành.
Năm trước hắn đã phải xin nghỉ phép hai tuần về quê khi em gái cưới chồng, thế là đi đứt gần một năm dành dụm. Lần khác thầy hắn bị cấp cứu mổ ruột thừa, hắn cũng phải tức tốc ra sân bay để nhanh chóng về thẳng bệnh viện thăm bố, về đến nơi thì cuộc phẫu thuật đã hoàn tất. Cũng may là ông cụ tai qua nạn khỏi nhưng hắn cảm thấy mình bất hiếu khi một tuần sau lại phải lên đường vào Nam làm việc. Vì hay phải về quê bất thường nên hắn ít có điều kiện về ăn Tết. Mỗi khi Tết đến thì hắn ước muốn có đôi cánh để bay về quê, nhưng đồng lương cũng không cao và còn phải tiết kiệm để lo đời sống nên hắn đành ở lại tăng ca đến tận ba mươi Tết. Tết đến là thời điểm để mọi người sum họp bên người thân thì hắn cùng vài đứa bạn trong dãy nhà trọ rủ nhau uống rượu đến say mềm, cho vợi đi nỗi nhớ Tết quê hương.
Rồi hắn cũng dễ dàng quen và lấy được một cô vợ đồng hương cùng cảnh ngộ, vào đây đi làm giày da. Điều kiện xa nhà, lại bận việc liên miên nên đám cưới của hai đứa diễn ra thật chóng vánh sau hai tuần nghỉ phép về quê tổ chức tất cả lễ của một đám cưới, từ việc hai gia đình thăm nhà nhau, rồi ra ủy ban nhân xã làm đăng ký kết hôn, lễ ăn hỏi, lễ nạp tài và lễ cưới… Cô dâu chú rể còn chưa quen mặt họ hàng dã phải dắt díu nhau vào Nam đi làm. Đến lúc vợ hắn sắp sinh, do không có ai chăm sóc nên đành để vợ quay về quê để sinh nở. Con mới hơn 4 tháng tuổi đã phải cai sữa ở lại với ông bà để mẹ nó gạt nước mắt lên đường mưu sinh. Chuỗi ngày sau đó của vợ chồng hắn là nỗi nhớ con nhỏ quay quắt. Quê hương là hai từ lúc nào cũng canh cánh trong lòng, nơi có thiên thần bé nhỏ đang được cha già mẹ yếu trông nom.
Lần về thăm quê cuối cùng của hắn cách đây hai năm. Nói là cuối cùng không phải là hắn sẽ không về nữa mà là hắn quyết định không rời xa quê nhà nữa. “Về quê đây” là tiếng chia tay với đồng nghiệp cũ, bạn bè và khu nhà trọ, cũng là tiếng lòng hân hoan của hắn khi được về với cha mẹ và đứa con thân yêu. Quê hắn giờ đã đổi khác rất nhiều, không còn cảnh thiếu ăn như trước đây, dân trong làng đã biết tìm thêm nhiều nghề phụ để kiếm sống, nông thôn đổi mới từng ngày, đặc biệt là trên phố huyện cũng có một nhà máy giày da rất lớn vừa mới xây dựng. Với kinh nghiệm, vợ chồng hắn liền được nhận vào làm công nhân nhà máy. Một cuộc sống mới bắt đầu trên chính mảnh đất quê hương hằng nhung nhớ.
Đỗ Thị Tú