Tôi sinh ra ở một vùng biển nghèo vì mưu sinh nên cả gia đình tôi đã chuyển lên Sài Gòn hơn 20 năm nay. Sống càng lâu ở Sài Gòn, tôi càng tin rằng những kỷ niệm thời thơ ấu là những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi không thể nào quên.
Có nhiều lúc, tôi muốn sống ở thành phố để được bằng chị bằng em, để cố gắng vươn lên những khó khăn và để thành công cho bằng người khác. Nhưng có đôi lúc, tôi lại muốn sống một cuộc đời bình lặng nơi chốn quê nghèo. Đó là cuộc đời của một cô công nhân bình thường, giản dị, không lo toan về mai. Sau giờ tan ca, tôi lại về nhà và nhanh chóng quên đi cái mệt mỏi của công việc.
Mỗi chiều, tôi lại ra vườn bắt võng đung đưa và nhìn ngắm cả bầu trời trong xanh. Thích thì tôi hái ổi chấm muối rồi nhâm nhi những bài hát quen thuộc. Tôi sẽ trồng thật nhiều cây trái. Mỗi loại một cây để có nhiều loại trái suốt những mùa trong năm và trồng thêm cả giàn hoa để làm phong phú cả khu vườn bé nhỏ.
Trước sân, tôi sẽ trồng một cây hoa bò cạp vàng để tạo thành điểm nhấn nổi bật cho cả ngôi nhà. Chỉ cần nhìn chúng cao hơn một tí, nở thêm một nụ hoa, có thêm trái hoặc chín rụng đầy vườn là tôi thấy vui lây để quên hết mọi nhọc nhằn. Chỉ vì một con vịt bị thương, tôi và cả nhà đã luống cuống đi tìm bong băng lo lắng từng li từng tí. Chúng mà bỏ ăn thì thấy sao mà tội nghiệp. Rồi lại phải kiếm cho bằng được món ăn chúng yêu thích để dụ dỗ chúng ăn. Trong cái gian nan, vất vả, không cần ai biết đến đó, trong tôi có điều gì đó thỏa lòng, nhẹ nhõm và hạnh phúc lạ thường.
Không xa hoa, không phù phiếm, người dân quê tôi chân chất, thật thà và rất giản dị. Tối ngủ, có khi họ chẳng cần đóng cửa. Họ không lo không sợ mất gì mà có gì to lớn đâu mà để mất. Họ cứ cắm cúi làm ăn từ ngày này qua ngày khác, bám ruộng bám vườn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng hễ khi nhà nào có đám tiệc hàng xóm lại đến rất đầy đủ. Đàn ông thì lo dựng rạp, bắt đèn. Phụ nữ thì đi chợ bếp núc tấp nập. Nghe những câu cải lương sao tôi nghe chạnh lòng quá. Có một số bạn cỡ tuổi tôi thì cho là sến nhưng không hiểu vì sao khi nghe những ca từ đó lòng tôi cảm thấy thương thương!
Giờ đây, khi ngồi trên chiếc phà Mỹ Lợi, nhìn cây cầu bắt ngang sông đang gần được hoàn tất. Tôi nhớ ngày xưa. Là khi tôi thích những lần chạy dọc theo những con đê làng để gió thổi ù ù bên tai nghe thật lạ. Từ trên đê, tôi thích nhìn xuống bên dưới những ruộng muối lấp lánh dưới nắng mà tuổi thơ tôi cứ ngỡ đó là kim cương. Chạy xa một quãng là cả bờ biển dài hun hút. Rồi đến những ngày cập bờ, thuyền đông vô số kể, đem về nào thật nhiều cá và khô, đặc biệt là khô mực.
Tôi nhớ những mùa nước lũ, người lớn thì lo lắng. Tôi thì lại thấy vui vì mỗi khi đi học về, tôi được lội nước trong khi lưng đeo cặp, tay thì cầm dép lại còn rượt đuổi chúng bạn. Rồi đây, tôi sẽ không còn được nhìn thấy những chiếc phà đã bao lần đưa khách sang sông trong đó có tôi. Nhìn những dòng nước trong xanh cứ xuôi theo dòng nước cuốn những cánh hoa lục bình, tôi chợt liên tưởng đến dòng đời khi cuộc sống cứ cuốn con người ta theo những bộn bề vất vả. Tôi lại có cảm giác nao lòng. Điều tôi nghiệp của con người là giống như những hoa lục bình kia. Họ vẫn sống nhưng không thể tự làm chủ được bản thân hay tự quyết để làm những điều mình yêu thích.
Sắp đến ngày Quốc khánh 2/9, chiếc phà Mỹ Lợi này sẽ được thay thế bằng một cây cầu mới. Phải, quê hương tôi đang đổi mới ngày càng phồn vinh và phát triển. Còn tôi, tôi đã không còn là một đứa bé ngây thơ như ngày nào. Rồi đây, tôi sẽ không còn cảm giác ngồi đợi háo hức trên chiếc phà trước khi về đến quê. Tuy nhiên, tôi luôn nhớ rằng: dẫu cuộc sống thành thị cứ cuốn mình theo những lo toan vất vả thì quê hương lại là nơi để kéo bước chân tôi chậm lại. Tôi vẫn trở về quê khi có thể để tìm một khoảng lặng trong tâm hồn tôi.
Nhớ quê, nhớ những người ở đó, có lẽ đơn giản chỉ vì đây là nơi mà khi chưa sinh ra tôi đã thuộc về nó rồi…
Dương Liễu Thanh Mai