Thứ tư, 11/12/2024
Thứ năm, 18/1/2024, 07:56 (GMT+7)

Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh cực thực

Họa sĩ Trung Quốc Lãnh Quân, tác giả Nhật Kei Mieno khắc họa vẻ đẹp phụ nữ qua loạt tranh như ảnh chụp.

Đầu năm nay, những bức tranh vẽ thiếu nữ Nhật Bản của Yasutomo Oka nhận nhiều lượt chia sẻ của người dùng mạng xã hội X, do phù hợp không khí mùa xuân. Dịp này, các sáng tác về đề tài phụ nữ của nhiều họa sĩ theo trường phái cực thực được quan tâm.

Trong tranh, Yasutomo Oka khắc họa cô gái mặc trang phục kimono, có đôi mắt to, sống mũi cao, làn da trắng mang đậm nét đẹp Nhật. Những đốm tàn nhang, vệt tóc, hoa văn trên áo được anh thể hiện chân thực như ảnh chụp. Ảnh: Catherine La Rose

Trường phái cực thực (Hyperrealism) là những tác phẩm hội họa mang đến cảm giác chân thật như ảnh chụp có độ phân giải cao, thông qua các hiệu ứng ánh sáng và bóng mờ để rõ ràng, tự nhiên hơn.

Yasutomo Oka vẽ cô gái diện chiếc váy có họa tiết ren trắng, tay chống nhẹ lên cằm, lộ vẻ suy tư. Ảnh: Catherine La Rose

Họa sĩ 41 tuổi, có 20 năm theo nghiệp hội họa, thường vẽ chân dung phụ nữ. Trang rocketnews24 cho biết Yasutomo Oka không dùng phần mềm nào mà phác họa chân dung mẫu bằng chì, sau đó vẽ lần lượt các lớp sơn dầu tạo chiều sâu. Cuối cùng, anh dùng dụng cụ chà nhám, tạo độ bóng. Họa sĩ thường mất vài tháng để hoàn thiện một tác phẩm.

Bức Chân dung khuôn mặt Xiaowen của Lãnh Quân. Ảnh: CGTN

Lãnh Quân, 61 tuổi, tốt nghiệp khoa Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Vũ Hán năm 1984, hiện là phó hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Vũ Hán. Ông được xem là biểu tượng của hội họa cực thực của Trung Quốc, có nhiều tác phẩm chân dung triệu USD, như Mona Lisa - Thiết kế về nụ cười khoảng 12,6 triệu USD), Tiêu tượng chi tương - Tiểu Khương (10,9 triệu USD), Chân dung Tiểu La (4,9 triệu USD).

Trên nền đen, người phụ nữ có khuôn mặt đượm buồn, khoác chiếc áo jeans trước ngực. Ảnh: China Daily

Phụ nữ trong tranh của Lãnh Quân thường mang dáng vẻ bình thường, mặc trang phục giản dị. Mỗi bức vẽ của ông tốn từ sáu tháng đến một năm để thực hiện, đạt độ chân thực cao, không ai có thể sao chép. Ông thường quan sát mẫu kỹ lưỡng, phân tích từng chi tiết trên gương mặt, trang phục của họ để tìm điểm nhấn và tả thực chúng.

Một tác phẩm khác của Lãnh Quân, miêu tả cô gái với những đường nét hài hòa trên gương mặt, đôi vai thon gầy, mái tóc ngắn cá tính. Ảnh: Sohu

Theo CGTN, dù tiếp thu loại hình nghệ thuật từ phương Tây, ông vẫn thể hiện sự kế thừa văn hóa Trung Quốc. "Tranh sơn dầu Trung Quốc có hoa văn và phong cách riêng, bởi nơi đây cổ kính, có di sản văn hóa hàng nghìn năm'', ông cho hay.

Tác phẩm cô gái nằm trên dòng nước suối của Kei Mieno từng gây sốt trên mạng xã hội X ở thời điểm anh chia sẻ. Nhiều người xem cho rằng họ khó phân biệt được là tranh vẽ hay ảnh chụp. Ảnh: Instagram Kei Mieno

Từng chi tiết từ sóng nước, nếp nhăn quần áo, lọn tóc ướt hay giọt nước đọng trên cơ thể khiến bức họa giống như một tấm ảnh.

Kei Mieno mất một năm để hoàn thành bức vẽ, kích thước 160x130 cm, đạt độ chân thực đến từng đường gân trên bàn tay. Ảnh: Instagram Kei Mieno

Họa sĩ 38 tuổi, theo đuổi trường phái vẽ tranh siêu thực hơn 10 năm trước. Anh thích hội họa từ nhỏ, bắt đầu vẽ sơn dầu từ năm 17 tuổi, từng học chuyên ngành mỹ thuật tại Đại học Nghệ thuật Hiroshima, Nhật Bản.

Kei Mieno hứng thú việc khắc họa chân dung phụ nữ, luôn lựa chọn chất liệu sơn dầu và màu nước để thực hiện các tác phẩm. Kỹ thuật đổ bóng, sử dụng màu sắc được anh tối ưu hóa, đem đến vẻ sinh động cho các bức vẽ. Ảnh: Instagram Kei Mieno

Alyssa Monks, 47 tuổi, nổi tiếng với những bức vẽ cực thực miêu tả con người dưới làn nước. Trong tranh, tác giả vẽ cô gái đang bơi ngửa, một tay vén mái tóc vàng. Ảnh: Design Father

Họa sĩ sinh tại New Jersey, Mỹ, hiện là thành viên ban quản trị của Học viện Nghệ thuật New York. Trang Design Father cho biết khi bắt đầu vẽ cơ thể người, cô bị ám ảnh bởi nó và cần tạo ra sự chân thực nhất có thể. ''Tôi theo đuổi chủ nghĩa hiện thực cho đến khi nó bắt đầu sáng tỏ và tự giải mã'', Alyssa Monks nói.

Một bức vẽ khác của Alyssa Monks, tả cô gái đang tắm. Ảnh: Design Father

Trong cuộc phỏng vấn với The Montréal Review, tác giả cho biết tìm kiếm cảm hứng sáng tác bắt đầu bằng việc thiền, tập yoga vào buổi sáng. Cô chú ý đến những yếu tố kích thích các giác quan, tinh thần.

Phương Linh