Tên sách: Về bản tính người
Tác giả: Edward O. Wilson
Dịch giả: Phạm Anh Tuấn
NXB Thế Giới phát hành cuối năm 2014
Ra đời năm 1978, đoạt giải Pulitzer năm 1979, Về bản tính người là một trong những tác phẩm khoa học kinh điển của nhà sinh học Edward O. Wilson về căn tính và lịch sử nhân loại. Không chìm đắm trong sự tự mãn học thuật với thuật ngữ bất khả tiếp cận, cuốn sách mở ra bằng giọng văn sắc sảo, ấn tượng, như lát cắt lớn xuyên qua khối đồ sộ của các môn khoa học liên ngành, trong hành trình giải phóng con người bằng tri thức. Wilson suy tưởng: "Liệu có chủ đề nào quan trọng hơn bản tính người? Nếu chủ đề này được hiểu thực thấu đáo, thì loài người chúng ta sẽ được định nghĩa chính xác hơn, và những hành động của ta sẽ được dẫn dắt một cách thông tuệ hơn".
Bằng những công cụ sắc bén của bộ môn sinh học xã hội, Wilson đi sâu vào cốt lõi vi mô của hành vi người trong bức tranh vĩ mô của sự tồn tại. Nghiên cứu đặt ra hai nan đề lớn. Nan đề thứ nhất là câu hỏi triết học con người đeo đuổi không ngừng trong lịch sử: nhân loại có một mục đích tối thượng hay không, hoặc giả chúng ta không hề có cái đích nào ngoài bản chất sinh vật của giống loài? Nan đề thứ hai gợi mở hướng đi xa xôi cho con người tương lai: nhân loại khi đã khai mở những bí mật của sinh học, buộc lòng đối mặt lựa chọn tồn tại với bao nhiêu phần căn tính người, và bao nhiêu phần nằm dưới sự điều khiển nghiêm ngặt của khoa sinh học? Đứng dưới những dấu mốc này, cuộc truy tìm bản tính người không còn đơn thuần là thách thức khoa học. Sinh học, cùng các khoa học xã hội phải đồng hành để đi tìm minh triết cho tiên đề triết học về sự hiện tồn của giống loài.
Qua chín chương sách, Edward O. Wilson dẫn dắt người đọc từ những cấu trúc sơ khởi, cơ bản nhất của con người - các gen cho đến sự phôi thai và hình thành nhân cách cá thể, và cuối cùng, sự phình trướng của những cấu trúc văn hóa và sinh học dẫn đến nền văn minh hiện đại. Wilson giúp trả lời những câu hỏi tưởng chừng nghiễm nhiên nhưng vô cùng hóc búa và thú vị: nụ cười có phải là một sản phẩm đầy tính toán của tiến hóa? Nỗi kinh sợ thói loạn luân đến từ đâu và có chăng một thứ tự trong sự kinh sợ đó? Có không những "thiên chức" giới tính, hay chỉ là sự thổi phồng phục vụ cho những mục đích chính trị? Liệu tình dục có phải công cụ vượt ra ngoài những mục đích sơ đẳng về gây giống và khoái lạc? Có thể nhìn nhận thế nào về xu hướng đồng tính luyến ái và cách thức di truyền của đặc tính này nếu những người đồng tính không sinh con? Con người văn minh được ca tụng hôm nay có thực sự đã đạt đến ngưỡng tiến hóa cuối cùng, hay vẫn còn những nẻo đằng sau? Dường như Wilson xây dựng được cả một bách khoa toàn thư về con người và những bí mật sâu thẳm.
Đi sâu vào những chủ đề căn cốt, nhạy cảm, Edward O. Wilson giúp độc giả thấu đáo sự vận hành di truyền và những rãnh trượt văn hóa đã định hình tính hiếu chiến, hoạt động tính giao, lòng vị tha, tôn giáo và bản chất hy vọng. Với tư cách một nhà khoa học, Wilson không khoan nhượng trước những cấm kỵ và khủng hoảng xã hội, nhưng đồng thời, ông tinh tế trong cách xử lý và đưa chúng đến với công chúng rộng rãi.
Chân dung con người được phác họa chi tiết đến kinh ngạc, với những phát hiện giật mình. Wilson chiêm nghiệm, chúng ta sinh ra không phải như những tấm bảng trắng tinh khôi, chực chờ để được viết nên bằng kinh nghiệm. Chúng ta là những khối phức hợp của môi trường và những gen tác động tới hành vi xã hội - không có một hành động nào, một ý chí nào thoát ra được sợi dây xích của tự nhiên, của gen, hay của chính khái niệm đã đi sâu vào thơ ca dưới cái tên "định mệnh".
Nhưng Wilson không khuyến khích nhân loại đầu hàng "định mệnh". Thẳng thắn, dũng cảm và kiên quyết trên con đường không biết mệt mỏi của mình, ông phát biểu: "Chúng ta hoàn toàn biết và chúng ta đã trả lời đức Jehovah rồi đấy. Chấp nhận những thách thức của Đức Jehovah, các nhà khoa học đã khám phá và giải quyết những câu hỏi thậm chí còn hóc búa hơn".
Khoa học trong thế giới của Wilson và Về bản tính người không còn là tập hợp những con số, định nghĩa, thực tế khô khan. Ông gọi đó là thiên sử thi tiến hóa, là chuyện thần thoại hay nhất trong chừng mực trí tuệ có thể phán xét. Chỉ bằng cách tiếp tục thần thoại ấy, con người mới bước tiếp trên hành trình hiện tồn với niềm hy vọng không thể dập tắt về hạnh phúc và những điều tốt đẹp hơn ở tương lai.
Phương Anh