Một buổi tọa đàm về cuốn sách được tổ chức lúc 14h ngày 26/9 tại Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học.
Ra đời năm 1859 tại Anh, cuốn Bàn về tự do không nói về tự do ý chí mà đặt ra các vấn đề tự do dân sự (tự do xã hội). Trong tác phẩm này, John Stuart Mill đề cập đến tự do dân sự trên các phương diện: tư tưởng, tôn giáo, tự do thảo luận; tự do về sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống và tự do hội họp.
Đặc trưng nổi bật trong phần lớn lịch sử loài người là những cuộc đấu tranh giữa tự do và quyền lực. Quyền lực của kẻ cai trị được xem là cần thiết, nhưng cũng nguy hiểm, bởi kẻ ấy có thể dùng nó như vũ khí chống lại dân chúng, như chống lại kẻ thù bên ngoài. Vì vậy, việc thiết lập giới hạn với quyền lực của người cầm quyền là cần thiết, nhất là khi thực thi quyền lực với cộng đồng.
John Stuart Mill nhận định mục tiêu của nhân loại là sự phát triển cao nhất và hài hòa nhất mọi năng lực của con người, mà tự do là điều kiện tiên quyết. Từ đó, ông cho rằng mỗi người tìm thấy tự do của mình trong tự do của người khác, đây là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và độc lập của mỗi cá nhân. Tác giả cũng khẳng định mỗi người cần được mưu cầu hạnh phúc của riêng mình, miễn không xâm phạm hay cản trở người khác có hạnh phúc chính đáng của họ.
Tác giả cũng thể hiện mong muốn về xã hội lý tưởng nơi mọi người đều có tự do, rồi có sự phồn vinh và tiến bộ xã hội. Trong sách, John Stuart Mill không đề cập đến hoạt động kinh tế hay việc tổ chức quyền lực nhà nước. Ông chỉ đề cập đến các nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa trong các quan hệ giữa người với người trong xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển.
Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Nhật, in hàng triệu bản, là tác phẩm ảnh hưởng lớn tới phong trào Duy Tân Nhật Bản.
Tác giả John Stuart Mill (sinh ngày 20/5/1806, mất ngày 8/5/1873) là một nhà triết học và nhà kinh tế chính trị học người Anh. Ông là một triết gia theo đường lối tự do có ảnh hưởng của thế kỷ 19. Ông tán thành chủ nghĩa công lợi, học thuyết đạo đức do Jeremy Bentham đưa ra. Cuốn tiểu sử của John Stuart Mill đánh giá ảnh hưởng của ông tới hệ tư tưởng thế kỷ 21.
Y Nguyên