"Nghĩa là số báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ trên giấy chứ không phải thực chất. Giảm điều kiện kinh doanh hơn lúc nào hết, rất cần với doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 và việc cắt giảm phải thực chất, chứ đừng nói suông", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói tại hội thảo về điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp ngày 24/6.
Ông Lộc cũng kiến nghị Chính phủ thực hiện làn sóng cải cách thứ ba về cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư ngay trong nhiệm kỳ này.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nêu một dẫn chứng khi đề nghị sửa các quy định liên quan tới cấp mã vạch sản phẩm thuỷ, hải sản xuất khẩu. Cơ quan quản lý trả lời rằng "sửa một nghị định mất nhiều thời gian và ý kiến của VASEP cũng chỉ là một trong hàng trăm hiệp hội, ngành hàng khác".
Theo ông Nam, sự chuyển biến của các bộ, ngành còn trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm điều kiện gia nhập thị trường rất chậm dù cấp có thẩm quyền liên tục hối thúc.
"Trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản có những quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam còn khó hơn cả quy chuẩn Mỹ. Vô tình chính chúng ta đang tự làm khó doanh nghiệp của mình", ông nhận xét.
Trong một khảo sát vừa hoàn thành của Ban Pháp chế (VCCI) về điều kiện gia nhập thị trường với gần 1.000 doanh nghiệp cho thấy, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện còn nhiều bất cập. Nhiều thủ tục còn rắc rối, chồng chéo, là rào cản với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia thị trường.
VCCI đề nghị các bộ, ngành sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư để khắc phục những chồng chéo, những rào cản về kinh doanh hiện nay.
Kỳ Duyên