Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo về Quỹ hỗ trợ đầu tư. Quỹ này nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước rót vốn vào một số lĩnh vực mới nổi theo hướng xanh (chip, bán dẫn, điện gió ngoài khơi) trong bối cảnh Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu 2024.
Các khoản hỗ trợ từ Quỹ được chi trực tiếp bằng tiền, không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiền hỗ trợ được áp dụng cho 5 nhóm chi phí, gồm đào tạo, phát triển nhân lực; nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư tạo tài sản cố định; sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
Hiện dự thảo đưa ra mức hỗ trợ nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp tối đa 50%. Góp ý, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chi phí này cần tăng lên, chẳng hạn tối đa 75%, nhằm đảm bảo tính lan tỏa trong nền kinh tế. Doanh nghiệp sẽ được nhận mức hỗ trợ này khi họ thuê một đơn vị trong nước (trường đại học, viện nghiên cứu) thực hiện hoạt động R&D.
Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu, giúp khoa học công nghệ trong nước phát triển, theo VCCI.
Bán dẫn hiện được đánh giá là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới. Theo Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành chip, bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu.
VCCI cũng đề nghị cân nhắc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Trường hợp doanh nghiệp rót vốn đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất), mức hỗ trợ nên cao hơn khi họ đầu tư vào máy móc, thiết bị (động sản).
"Điều này sẽ khiến doanh nghiệp có động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thay vì chuyển sản xuất sang nước khác", theo VCCI.
Góp ý lần này, VCCI cho rằng, Nhà nước cần có cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm của dự án. Tức là, chi trả được thực hiện từng năm, nhưng lúc này khoản hỗ trợ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng nghĩa vụ của họ hay không.
Hiện, dự thảo quy định khoản hỗ trợ được quyết định từng năm trên cơ sở ngân sách được phân bổ. Doanh nghiệp sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa, nhưng có thể không hưởng tới mức này nếu Quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó.
"Việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước", VCCI nói. Tuy nhiên, Nhà nước có thể cân đối lại, giảm ở một số hạng mục như chi phí sản xuất, vốn vay. Bởi, hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn.
Về chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, dự kiến mức hỗ trợ tối đa là 50%. Tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đề nghị mở rộng diện nhận hỗ trợ này, gồm nhà ở dành cho công nhân, người lao động; hạ tầng giao thông, cung cấp năng lượng, nước, thu gom và xử lý chất thải. Bên cạnh đầu tư ban đầu, Nhà nước cũng nên dành một khoản trợ giúp chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này.
"Các biện pháp đưa ra cần đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và tác động lan tỏa, dài hạn cho kinh tế - xã hội", VCCI lưu ý.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối 2023, cả nước có 122 dự án nhà ở công nhân, tổng diện tích 2,7 triệu m2. Số này đáp ứng 40% nhu cầu nhà ở người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lao động còn lại buộc phải thuê nhà trọ, hoặc đi làm - về trong ngày. Nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được đưa ra, song để doanh nghiệp "mặn mà" với phân khúc này, giới phân tích cho rằng vẫn cần thêm hỗ trợ từ Nhà nước.
Đức Minh