Nội dung trên vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý với Bộ Tài chính khi xây dựng đề án sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, VCCI cho rằng xăng đang chịu cùng lúc 2 trong 4 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường (hai sắc thuế còn lại là thuế nhập khẩu và VAT). Trong khi đó, xăng không phải là mặt hàng xa xỉ, vì vậy việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, VCCI đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Đây không phải lần đầu tiên VCCI đưa ra quan điểm này. Tháng 9/2022, khi góp ý cho Bộ Tài chính về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, cơ quan này từng đề nghị bỏ thuế này trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn.
Trong khi đó, quan điểm của Bộ Tài chính là thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, chưa thể bỏ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.
Cụ thể, theo cơ quan này, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này. Hiện thuế suất tiêu thụ đặc biệt với xăng hiện là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Cũng tại văn bản góp ý này, VCCI cho rằng Bộ Tài chính nên đánh giá tác động kỹ việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế đặc biệt. "Đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất", VCCI cho biết.
Bởi theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc đánh thuế nhằm hướng đến bảo vệ sức khoẻ người dân (tránh thừa cân, bép phì, đái tháo đường), cần cân nhắc đến đặc thù riêng của Việt Nam. Theo ghi nhận của WHO, tỷ lệ thừa cân của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Ngoài ra, đồ uống có đường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ lượng calo trong khẩu phần ăn của người Việt so với các nước khác.
Hiện, có 54 trên 193 nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống bổ sung đường và chưa có bằng chứng tại các nước trên cho thấy thuế này có tác dụng giảm béo phì. Đan Mạch đã bỏ chính sách này vì không có tác động đáng kể đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Ngoài ra, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại đồ uống có đường có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về (như trà sữa, cà phê mang đi...). Điều này có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được.
Trước đó, nói tại hội thảo góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 15/3, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng, cũng dẫn số liệu cho biết bệnh thừa cân béo phì liên quan tới mất cân bằng giữa nạp năng lượng vào và tiêu hao, vận động thể lực ít hay nhiều. Theo bà, thừa cân béo phì có nhiều nguyên nhân như ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường trên đường phố.
Còn với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn,VCCI cho rằng nên đưa ra khỏi danh sách chịu thuế do cơ quan soạn thảo chưa nêu được tác động tiêu cực, hay tính xa xỉ việc tiêu thụ loại đồ uống này. Theo VCCI, thức uống đại mạch giống bia nhưng không có cồn, không thể coi là lý do đánh thuế. Nếu đánh thuế loại đồ uống này, có thể khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng bia nhiều hơn, gây nhiều tác động tiêu cực.
Đức Minh