VBF 2013 khai mạc sáng nay với chủ đề giữ nguyên như cách đây 6 tháng, đó là "Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế tại Việt Nam". Trong đó, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được ông Alan Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurocham) đánh giá là "vấn đề quan trọng hơn" cả khu vực ngân hàng.
Tại báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tại Việt Nam công bố chiều 2/12, ông Sandeep Mahajan - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang chậm hơn mong đợi và đây trở thành một trong những trở ngại dài hạn cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước theo hướng minh bạch, hiện đại hơn là đòi hỏi cấp bách, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị thêm.
Doanh nghiệp Nhà nước hiện chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân (gần 33% GDP), tuy nhiên những những kết quả thu được từ quá trình cải cách thời gian qua còn hạn chế. Tốc độ cổ phần hóa đã giảm mạnh từ hơn 800 doanh nghiệp năm 2004-2005 xuống còn 13 doanh nghiệp vào năm 2012. Hệ thống quản trị, giám sát, minh bạch thông tin của khu vực này cũng thiếu, dẫn tới nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ lớn mà không có cảnh báo sớm.
"Chính phủ có thể xem xét huy động công chúng tham gia giám sát thông qua yêu cầu phải minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước", Nhóm công tác của VBF đề xuất
Bên cạnh đó, VBF cũng đề nghị một cơ chế bình đẳng hơn giữa khu vực Nhà nước với tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. "Một tổng công ty Nhà nước có thể nhanh chóng được cấp phép xây dựng nhà máy phát điện với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài phải mất nhiều năm để có thể hoàn tất mọi thủ tục xin phép xây dựng một nhà máy phát điện tại Việt Nam", nhóm công tác dẫn chứng.
Dù còn nhiều vấn đề, nhưng theo nhận định của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước cần nhiều thời gian. "Ai cũng muốn nhanh nhưng nói dễ làm thì khó. Song, vẫn còn dư địa để đẩy nhanh quá trình này", bà Kwakwa nói trong buổi họp báo chiều 2/12.
Để đưa ra những khuyến nghị sát sườn cho Chính phủ, ông Alan Cany cho biết tại diễn đàn lần này Phòng Thương mại và Công nghiệp Singapore sẽ giới thiệu mô hình doanh nghiệp Nhà nước đã từng được quốc gia này xây dựng thành công.
VBF là cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ. Ở kỳ họp này, ngoài những nhóm công tác lâu năm như ngân hàng và thị trường vốn; đầu tư và thương mại; đất đai và bất động sản, thuế..., sẽ có thêm 2 nhóm là hải quan, quản trị và minh bạch. Nhóm công tác thứ 12 - Nông nghiệp sẽ gia nhập diễn đàn vào kỳ tới.
Trước khi các nhóm công tác trình bày báo cáo, một bản tóm tắt về tình hình vĩ mô sẽ được nêu lên. Theo báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội mới đây, năm qua Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện qua lạm phát chỉ dưới 6,5%. Dư nợ tín dụng cả năm có khả năng đạt 11-12%. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Cán cân thương mại cải thiện khi nhập siêu chỉ gần 290 triệu USD, bằng 0,24% tổng kim ngạch xuất khẩu...
Song, thách thức lớn đặt ra tăng trưởng kinh tế vẫn trì trệ, năm 2013 ước chỉ đạt 5,4% - thấp nhất trong một thập kỷ qua. Dư địa cho chính sách tài khóa cũng đang cạn kiệt dần khi nợ Chính phủ đã lên trên 50% GDP. Trước những vấn đề trên, WB khuyến nghị Việt Nam cần tập trung quan tâm tới tốc độ cải cách cấu trúc để lập lại vị trí trong lộ trình tăng trưởng cao hơn.
Phương Linh