Báo cáo kết quả rà soát lần thứ nhất về chính sách thương mại của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy 27 nước thành viên (hầu hết là các đối tác thương mại) nhận định Việt Nam đã có tiến bộ, bảo đảm không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc duy trì một lượng lớn các doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh nói chung và kéo lùi sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Việt Nam bắt đầu cải cách doanh nghiệp Nhà nước cách đây hơn 20 năm. Nhiều doanh nghiệp đã được tư nhân hóa và dự kiến có thêm nhiều doanh nghiệp phải giảm số cổ phần Nhà nước. Tuy vậy, khu vực Nhà nước vẫn chiếm 38% GDP. Tính đến năm 2012, Việt Nam ước tính có hơn 1.300 doanh nghiệp được quản lý bởi hơn 100 cơ quan nhà nước, báo cáo kết quả rà soát cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết những ý kiến về khu vực doanh nghiệp Nhà nước trong báo cáo chỉ là những ý kiến bình luận, khuyến nghị đối với chính sách vĩ mô của Việt Nam, không phải là những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của WTO. |
Trước khi có lưu ý của các đối tác thương mại, nhiều chuyên gia trong nước cũng cảnh báo về việc cổ phần hóa chậm doanh nghiệp Nhà nước đang gây những hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. Báo cáo mới công bố của Ủy ban Kinh tế cho hay, việc có quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước trong khi chưa có hệ thống giám sát hiệu quả khiến khu vực này hoạt động sa sút, tạo nên suy thoái kinh tế kéo dài.
Theo nhóm tác giả, 10 năm gần đây, quy mô vốn trung bình của nhóm này đã tăng gấp 10 lần. "Khi khu vực doanh nghiệp Nhà nước quá lớn, đặc biệt là trong một số lĩnh vực đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và mức độ rủi ro cao, sẽ không có doanh nghiệp tư nhân nào dám tham gia. Hơn nữa, Chính phủ sẽ khó có đủ người chuyên trách tài giỏi và tận tâm để kiểm soát hết hành vi của những nhà quản lý", báo cáo nêu lên.
Việc thiếu giám sát dẫn đến nhiều "ông lớn" như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lún sâu vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, thậm chí bên bờ phá sản mà không có cảnh báo sớm.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung trong một diễn đàn tổ chức tuần qua tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định hàng loạt các nguyên tắc của thị trường chưa thực sự được áp dụng với doanh nghiệp Nhà nước. Chẳng hạn, hiện doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn thì chưa phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của thị trường. Nhà nước về cơ bản vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho doanh nghiệp dưới hình thức giảm nợ, giãn nợ hoặc bảo lãnh quản lý nợ.
Theo ông, chính việc thể chế đang yếu đi đã làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Một phần không nhỏ lợi ích đã hình thành qua quan hệ xin cho cho các bên liên quan, mà không phát sinh từ các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị cho xã hội. "Người ta nói Vinashin, Vinacho là như vậy", vị này nêu.
Từ đó, các thành viên của WTO đề xuất Việt Nam tiếp tục cải cách mạnh khu vực kinh tế Nhà nước, bảo đảm sân chơi công bằng cho các thành phần kinh tế. Và theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế, cần mạnh dạn đưa ra lộ trình giảm quy mô khu vực này, sao cho đóng góp vào GDP giảm xuống còn 15-17% vào năm 2015 và xuống dưới 10% vào năm 2020.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng khuyến nghị nên áp đặt một số nguyên tắc, kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp Nhà nước nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng. "Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không bảo toàn và phát triển vốn, thua lỗ không thanh toán được nợ đến hạn, không trả đủ thuế cho nhà nước thì người đại diện chủ sở hữu, người quản lý phải bị thay thế chứ không phải chờ đến những can thiệp của Chính phủ. Tóm lại, phải để thị trường khắc nghiệt trừng phạt bất cứ ai mắc phải lỗi lầm", ông nói.
Rà soát chính sách thương mại là cơ chế được quy định trong Hiệp định thành lập WTO năm 1995 với mục đích góp phần hoàn thiện việc tuân thủ các luật lệ, quy tắc của WTO, tăng cường tính minh bạch và sự hiểu biết về chính sách thương mại của các thành viên. Việt Nam gia nhập WTO từ ngày 11/1/2007 sau 11 năm đàm phán và theo quy định sẽ phải tham gia quy trình rà soát 6 năm một lần và đây là lần đầu tiên.
Tại phiên làm việc, các thành viên đã đánh giá cao thành tựu Việt Nam đạt được sau 6 năm gia nhập WTO như chủ động thực hiện tự do hóa thương mại, thực hiện nghiêm các cam kết hội nhập, không quay lại chủ nghĩa bảo hộ dù kinh tế phải chịu nhiều tác động của khủng hoảng tài chính thế giới. Song, các bên cũng chỉ ra một số các lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện như tính minh bạch trong khuôn khổ pháp lý và thể chế, các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vai trò kiểm soát của Nhà nước với nền kinh tế...
Phương Linh