Cần vay thêm 500 triệu để mua nhà, anh Ngọc, nhân viên một công ty tin học ở Hà Nội từng phải lên những diễn đàn, mạng xã hội để thăm dò, nhờ người giới thiệu cán bộ tín dụng vì cho rằng "không có quan hệ" thì khó vay tiền.
Không riêng anh Ngọc, nhiều người khác cũng không dám trực tiếp gõ cửa ngân hàng để vay vì "chẳng quen ai". Anh Sinh (Hoàng Mai, Hà Nội) phải vay mượn người thân, bạn bè khá nhiều để mua được ngôi nhà đang ở. Nay, người nhà có việc đòi gấp nên anh phải thế chấp nhà để vay ngân hàng trả bớt. Tuy nhiên, với lý do "bỡ ngỡ khi làm việc với ngân hàng" anh Sinh lại tìm đến một người bạn mới quen để nhờ vay hộ.
Chia sẻ với VnExpress.net, các ngân hàng khẳng định hầu hết khách cá nhân tới vay tiền đều không có mối quan hệ trước với nhà băng cũng như nhân viên tín dụng. "Trước có thể xảy ra chuyện nọ, chuyện kia chứ nay ngân hàng cần khách hơn bao giờ hết. Miễn bạn chứng minh được mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ, dù bạn là ai thì các nhà băng cũng sẵn sàng săn đón", Phó giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Ngoài anh Ngọc, anh Sinh, nhiều trường hợp khác cũng đã tìm đến môi giới, "cò" để vay vốn ngân hàng vì lo ngại "bộ mặt" của bản thân không lọt vào tầm ngắm của nhà băng. Chia sẻ về việc này, ông Lê Anh Hưng - Trưởng phòng quản lý sản phẩm Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân của HSBC - khẳng định, mọi khách hàng đều có thể vay và không có chuyện ngân hàng cho vay theo kiểu "trông mặt bắt hình dong". Hơn thế nữa, việc gửi gắm hồ sơ vay tiền cho bên thứ ba ngoài ngân hàng rất nguy hiểm, có thể làm lộ thông tin. "Không làm việc qua môi giới sẽ tránh việc khách hàng bị sử dụng thông tin cá nhân để tạo hồ sơ vay vốn giả", ông Hưng lý giải.
Trên thực tế, không ít ngân hàng thậm chí đang căng đủ các "radar" tìm khách hàng tốt để cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ì ạch. Hơn thế nữa, hiện nay, các nhà băng đều chạy đua rất quyết liệt trong mảng bán lẻ. Các ngân hàng từ nội địa đến nước ngoài đều đưa ra nhiều kênh khác nhau với những thủ tục đơn giản hơn nhiều để thu hút khách hàng. Ngoài việc đến thẳng các phòng giao dịch, chi nhánh, gọi đường dây nóng, nhiều nhà băng như HSBC, Standard Chartered hay Sacombank, ACB, VPBank.. còn hỗ trợ "tiếp" khách hàng online. "Có nhu cầu vay vốn, khách chỉ cần để lại thông tin trên website là có nhân viên gọi lại", một lãnh đạo của HSBC lấy ví dụ.
Theo các chuyên gia tài chính, khi thẩm định hồ sơ, ngoài mục đích rõ ràng, điều các ngân hàng quan tâm nhất là khả năng trả nợ. Vậy thu nhập một tháng bao nhiêu tiền mới có thể vay?
Với vay tín chấp, thông thường các nhà băng hay dựa vào thu nhập hàng tháng và từ đó tính hạn mức cho vay phù hợp. Như với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khách hàng là cán bộ nhân viên có thu nhập trên 3 triệu mỗi tháng tại các đơn vị được ngân hàng chấp nhận đã có thể được vay tối đa 500 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 48 tháng. Còn HSBC chấp nhận thu nhập tối thiểu để vay thế chấp và mua xe là 10 triệu một tháng, vay tín chấp khoảng 8 triệu đồng một tháng.
"Những yêu cầu này thường khác nhau ở mỗi ngân hàng, tùy vào khẩu vị chấp nhận rủi ro của họ đến đâu. Nên nhớ, ngân hàng nào cho vay với điều kiện càng thoáng thì chi phí bạn phải trả càng lớn vì họ đã chấp nhận rủi ro cao hơn", một chuyên gia lưu ý.
Với những nhu cầu nhỏ như sửa nhà, mua xe, sắm Tết, đóng học phí cho con, theo ông Lê Anh Hưng - đại diện của HSBC, khách hàng chỉ nên vay tín chấp. Còn với nhu cầu như mua tủ lạnh, tivi..., bạn có thể mở thẻ tín dụng vì hình thức trả góp theo cách này gần như bằng 0. Ngược lại, với những nhu cầu lớn hơn thì hình thức vay thế chấp là phù hợp.
Thanh Thanh Lan