Trong khi điều kiện vay vốn cá nhân tại các ngân hàng siết chặt như hiện nay, anh Dương - làm việc cho công ty phần mềm tại Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) - vẫn thường xuyên nhận điện thoại chào mời cho vay tiền từ các công ty tài chính. Theo lời quảng cáo của nữ nhân viên bán hàng qua điện thoại, với mức lương 10 triệu đồng, anh có thể được vay tín chấp 60 - 100 triệu đồng và chỉ sau 3 ngày đã nhận được tiền. "Bên em quy trình thủ tục rất đơn giản, chỉ cần hồ sơ photo và vài cuộc điện thoại gọi tới nhà để thẩm định. Chỉ sau 3 ngày là đã có thể giải ngân", nữ nhân viên này quảng cáo.
Nhiều công ty tài chính vẫn cho vay với lãi suất trên 30% một năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Anh Dương được thông báo lãi suất 2,63% theo tháng thay vì cách niêm yết theo năm của một số ngân hàng. Như vậy, lãi suất khách vay tín chấp theo hình thức này lên tới 31,5% một năm - gần gấp đôi so với vay tiêu dùng tại một số nhà băng hiện nay.
Lý giải về "cái giá đắt đỏ" của khoản vay này, nữ nhân viên tư vấn nói: "Nghe thì có vẻ cao thôi nhưng bên em không như ngân hàng, lãi suất sẽ cố định qua các năm và thủ tục vô cùng đơn giản, lại không cần thế chấp gì".
Không riêng anh Dương mà rất nhiều người có thu nhập ổn định hàng tháng, hàng ngày vẫn nhận được lời mời mọc cho vay tiền từ các công ty tài chính, bất kể họ đang có nhu cầu hay không.
Một chuyên gia tài chính khuyến cáo nếu quá ham hố những điều kiện vay vốn dễ dãi này, nhiều người dân có thể rơi vào "bẫy tài chính" với mức lãi suất quá cao bởi nghĩ rằng kiểu vay này "chẳng mất gì". Vị chuyên gia này phân tích: "Bình thường có thể cũng không quá cần vay tiền nhưng khi được mời mọc, họ lại nảy sinh những nhu cầu mới. Nhiều người đã vỡ nợ hoặc mất hết lương hàng tháng chỉ để trả lãi và gốc mà không còn tiền sinh hoạt".
Trước thắc mắc của khách hàng về mức lãi suất trên dưới 30% một năm, nhân viên của một công ty tài chính có thị phần lớn trong lĩnh vực bảo hiểm giải thích do công ty không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. "Bọn em là doanh nghiệp FDI nên không chịu sự điều hành về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước", nữ nhân viên này nói.
Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiện các hợp đồng vay vốn không còn theo quy định này và được áp dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010.
Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng lãi suất trên 30% dù cao ngất ngưởng nhưng lại không trái với các quy định hiện hành bởi đó là sự thỏa thuận giữa hai bên cho vay và đi vay.
Theo giải thích của một phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại, về bản chất, một công ty tài chính không có chức năng huy động vốn nên lãi suất đầu vào của nhóm này có thể cao ngang lãi suất cho vay của ngân hàng. Hơn nữa, chi phí để xây dựng mạng lưới bán lẻ cũng lớn nên thường họ tính lãi suất rất cao.
Vị lãnh đạo này khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn hình thức vay tiền này. "Nguyên tắc số một trong kinh tế là lợi nhuận cao thì rủi ro lớn. Các công ty tài chính cũng phải chấp nhận rủi ro rất lớn khi cho vay tín chấp và không hề tuân theo quy trình cho vay của ngân hàng thương mại như vậy", ông giải thích.
Trong khi đó, nếu quá cần kíp, buộc phải vay vốn theo hình thức này, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng". Một chuyên gia cho hay: "Nhiều người thấy dễ dàng là vay bằng được mà không cần biết lãi suất, kỳ hạn và hình thức phạt ra sao nên khi muốn thanh lý hợp đồng cũng rất khó khăn. Bởi tính ra tổng lãi phải trả cũng không thấp hơn nếu thanh toán nốt theo hợp đồng là bao nhiêu"
Thanh Thanh Lan