Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Matxcơva nhân việc Việt Nam gia nhập WTO, ông Mikhail Delyagin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Viện các vấn đề toàn cầu hóa, nhận xét rằng Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước hòa nhập với cộng đồng thế giới.
Theo đánh giá của ông Delyagin, với Việt Nam, gia nhập WTO có nhiều "dấu cộng". Việt Nam sẽ thu lợi nhiều hơn từ việc này, sẽ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, sẽ xuất nhiều sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp hơn, người dân sẽ tiếp cận hàng ngoại với giá rẻ hơn… Việt Nam ít bị tổn thương hơn Nga trong việc hàng ngoại tấn công thị trường nội địa. Nói tóm lại, Việt Nam hiện đang có ít cái để mất hơn Nga, ít phải cân nhắc rủi ro hơn Nga.
Nga vẫn chưa thỏa thuận được với Mỹ về việc gia nhập WTO. Các điều kiện Mỹ đưa ra mà Nga chưa đáp ứng được là bỏ thuế quan đối với việc nhập khẩu máy bay, cho phép các chi nhánh ngân hàng và bảo hiểm Mỹ tiếp cận thị trường Nga, cải thiện tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ. Nga chưa sẵn sàng để vào tổ chức thương mại toàn cầu, thị trường của Nga chưa vững chắc để “tự vệ”. Nga sẽ bị nhiều dấu trừ hơn là dấu cộng khi vào WTO, không như Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Delyagin cũng lưu ý Việt Nam rằng sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng xã hội nhất định sau nửa năm kể từ ngày 7/11. Chẳng hạn, sự hội nhập quốc tế đem lại nhiều khó khăn cho ngành thép của Việt Nam. Hơn nữa WTO không phải là “mục tiêu của mục tiêu”, đạt được rồi là xong mọi chuyện. Nó mới chỉ là phương tiện để nâng cao tính hội nhập, tính cạnh tranh của một nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế ở Nga cho rằng từ góc độ kinh tế, Trung Quốc rất có lợi trong việc tham gia tổ chức thương mại toàn cầu từ năm 2001. Việt Nam cũng sẽ như thế. Nga nên rút kinh nghiệm từ Trung Quốc và Việt Nam trong các cuộc đàm phán, hai nước này uyển chuyển, biết nhân nhượng cần thiết để phá những rào cản do Mỹ đặt ra.
Một trong số các chuyên gia đó phát biểu trên tờ “Thương gia” (Nga): “Nga không thể vào WTO là do cách “hành xử” của các nhà đàm phán. Nga muốn vào WTO nhưng Matxcơva lại muốn trở thành thành viên của tổ chức này theo điều kiện của mình”.
Khác với Trung Quốc và Việt Nam, thành phần của đoàn đàm phán Nga “không thật hoành tráng” so với tầm cỡ của chính mình. Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, chuẩn bị cho các cuộc đàm phán rất kỹ càng. Trong cuộc đàm phán với Mỹ về WTO có tới 3.000 chuyên gia hàng đầu được tập hợp để rút ra một lập trường chung cho Bắc Kinh, và họ đã đạt kết quả mỹ mãn.
Một trong những điều khác biệt với Việt Nam là tại Nga trong dư luận xã hội, trong giới chuyên gia kinh tế và cả trong hàng ngũ chính khách lớn chưa có sự đồng thuận về việc Nga gia nhập WTO. Thiên về “dấu trừ” là Thị trưởng Matxcơva Yuri Luzkov, thủ lĩnh Đảng Tự do dân chủ Vladimir Jirinovski, Bộ trưởng Nông nghiệp Alexei Gordeev và Chủ tịch Hội công nghiệp và doanh nghiệp Nga Alexandr Shokhin.
Thị trưởng Luzkov cho rằng vào WTO mà chưa hình thành đầy đủ thị trường tiêu dùng nội địa là “sai lầm”. Ông Jirinovski thì lo ngại việc “Mông Cổ nhiều giày da, Trung Quốc lắm hàng may mặc, còn Việt Nam thịt lợn rất rẻ”, không có lợi cho ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ của Nga. Các ông Gordeev và Shokhin muốn “dù vào WTO thì vẫn phải giành lấy quyền bảo vệ lợi ích của nông dân” (trợ giá nông nghiệp).
Người nói “cộng” cho WTO hăng hái nhất là Bộ trưởng phát triển kinh tế và thương mại German Gref. Ông chủ trương Nga phải nhanh chóng gia nhập WTO. Và để trấn an dân chúng, ông hứa việc Nga trở thành thành viên tổ chức thương mại toàn cầu “êm ái, dân tình không cảm nhận được, sau một đêm là xong” chứ không thiệt hại, đau đớn gì.
Niềm hy vọng lớn của những người ủng hộ WTO ở Nga là cuộc gặp tay đôi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ George Bush tại Hà Nội ngày 18/11, trong khuôn khổ Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC 2006. Tại đây, có thể rào cản mà phía Mỹ dựng lên đối với Nga trên đường đến WTO sẽ được tháo gỡ.
(Theo Tuổi Trẻ)