Giám đốc Bộ phận vận chuyển và giao nhận của Nike, John Isbell cho rằng, nền kinh tế phát triển ổn định của VN trong hơn thập kỷ qua đã tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm, hàng tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu. Khi VN vào WTO, dự kiến cuối năm nay, làn sóng đầu tư mới sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó đầu tư và thương mại vẫn là những nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm và nguồn thu ngân sách.
Tọa đàm về VN hậu WTO do Amcham tổ chức. Ảnh: P.A. |
Tuy nhiên, ông John Isbell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gấp rút phát triển cảng biển và cơ sở hạ tầng sau khi VN chính thức vào WTO, nếu muốn thúc đẩy xuất khẩu bằng đường biển.
Chủ tịch Amcham Walter Blocker cũng cho rằng, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng để làm nền tảng phát triển kinh tế. “Những dự án cơ sở hạ tầng lớn đều cần nhiều năm để hoàn thành nên VN cần có kế hoạch và cam kết thực thi sớm để duy trì tốc độ phát triển”, ông Walter Blocker nói.
Theo ông chủ tịch Amcham, trong Diễn đàn doanh nghiệp VN tổ chức vào tháng 6, Amcham cũng đã đề nghị Chính phủ VN chú ý tới phát triển cơ sở hạ tầng bằng cách cấp phép, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia và hỗ trợ tài chính cho các dự án thuộc lĩnh vực này.
Quy hoạch lại, phát triển cảng biển trong tương lai cũng đang là mục tiêu chiến lược của VN. Ở phía Nam, hàng loạt cảng hiện hữu đã có kế hoạch di dời hoặc nâng cấp trong 10-15 năm tới. Hiện có rất nhiều hồ sơ xin cấp phép kinh doanh cảng biển mới đang được các nhà đầu tư đệ trình Bộ Kế hoạch đầu tư. Mới đây, Công ty cảng Container Sài Gòn, một liên doanh giữa Công ty cổ phần Tân Thuận và Tập đoàn P&O của Anh, đã được UBND TP HCM trao giấy phép đầu tư với vốn pháp định 249 triệu USD.
Phan Anh