Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty nhựa Tân Đại Hưng, cho biết mua bảo hiểm cũng giống như lời khẳng định chất lượng của sản phẩm và sẽ khiến người đặt hàng cảm thấy tin tưởng, yên tâm hơn khi giao dịch với mình.
Với mức phí hằng năm phải trả trên 10.000 USD, mức bồi thường tối đa cho sự cố xảy ra liên quan đến sản phẩm là 1 triệu USD/khách hàng, ông Cang cho rằng công ty hoàn toàn có thể tự cân đối được trong cơ cấu giá thành sản
Một đối tác ở Italy đã từng than phiền với Công ty Tân Đại Hưng là bao bì đựng của công ty có độ kín không tốt, làm phân bón vón cục, ảnh hưởng đến kinh doanh của họ. |
“Dù chưa có sự cố nào xảy ra, nhưng công ty sẽ tiếp tục mua bảo hiểm cho hàng hóa vì đây cũng là một cách khẳng định vị thế kinh doanh và trách nhiệm của công ty đối với cộng đồng”, ông Cang nói.
Bà Phạm Minh Hương, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty dệt Phong Phú, cho biết đã mua bảo hiểm cho các mặt hàng khăn, chỉ sợi, vải và quần áo may sẵn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ được hơn hai năm. Đối tác không có yêu cầu, nhưng theo bà, công ty thấy cần phải mua. "Dù sản phẩm của công ty ít có rủi ro, nhưng bỏ ra một năm khoảng 7.000 USD để tạo sự yên tâm cho khách hàng và cho cả bản thân mình cũng chấp nhận được".
Tại thị trường trong nước, hầu hết các doanh nghiệp đều không đặt nặng vấn đề mua bảo hiểm vì lý do ảnh hưởng đến giá thành. Một doanh nghiệp sản xuất sữa thuộc hàng top trong nước cho biết không có ý định mua bảo hiểm cho các mặt hàng sữa của công ty. Còn một doanh nghiệp dệt may khác lại viện dẫn lý do thị trường trong nước không bắt buộc họ phải làm thế.
Hầu hết các khách sạn cao cấp ở TP HCM đều đã mua bảo hiểm trách nhiệm cho nguồn thực phẩm cung cấp trong khách sạn, vì đa số khách của họ là người nước ngoài vốn rất “nhạy cảm” trong việc khiếu kiện.
“Một khách sạn là khách hàng của chúng tôi, bị một người Mỹ khiếu nại ông bị ngộ độc thức ăn sau khi rời khách sạn lên máy bay, cùng với lời đe dọa sẽ kiện khách sạn ra tòa án Mỹ nếu không được bồi thường thỏa đáng. Ngay lập tức chúng tôi phải làm việc với luật sư của ông ấy, gửi các tài liệu phản hồi giải trình về nguồn cung cấp thực phẩm, qui trình sản xuất cho đến khâu lưu mẫu. Sau nhiều lần trao đổi, luật sư của ông ấy đã chấp nhận rút lui”, đại diện một công ty bảo hiểm kể.
Ông cũng cho biết các vị khách nước ngoài thường không khiếu kiện tại VN mà nộp đơn kiện ở quốc gia của họ, nơi phán quyết của tòa án với những số tiền bồi thường khổng lồ cùng chi phí pháp lý đắt đỏ có thể dẫn đến việc phá sản của bất kỳ nhà sản xuất nào.
Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của VN thường được yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là gốm sứ mỹ nghệ, thủy sản, đồ gỗ, hàng may mặc... Còn tại thị trường nội địa, doanh nghiệp chủ yếu mua bảo hiểm cho các mặt hàng có độ rủi ro cao như bình gas, ổn áp, suất ăn công nghiệp, xe hơi.
Tuy nhiên, theo các công ty bảo hiểm, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang đứng ngoài cuộc vì người tiêu dùng VN khá... dễ tính, chưa có thói quen đi kiện để bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ chế khiếu kiện phức tạp cũng khiến nhiều người nản lòng.
“Ở các nước phát triển, các vụ việc như điện kế điện tử, nước bẩn, xăng pha aceton... có thể biến thành những vụ kiện chung quy mô lớn. Nhưng ở VN, cuối cùng gần như “hòa cả làng” vì nhà cung cấp vẫn bình yên vô sự hoặc có bồi thường thì cũng theo kiểu được chăng hay chớ”, một công ty bảo hiểm nhận xét.
(Theo Tuổi Trẻ)