Mang theo vài túi nylon, anh Ninh dừng chân ở rừng keo tràm 2 năm tuổi cách nhà khoảng một km. Đảo mắt nhìn quanh lớp lá khô dày đặc, thấy ổ nấm mọc cạnh gốc cây mục ruỗng, anh gạt lớp lá tràm ẩm ướt, nhổ từng cây cho vào bao. Ổ nấm nặng gần 0,5 kg.
Anh Ninh cho biết, nấm mối thường mọc tự nhiên ở khu vực mối làm tổ, dưới tán rừng cao su hoặc rừng keo tràm, nơi không có thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Sau mưa lạnh kéo dài, trời nắng ấm là lúc sản vật này mọc nhiều.
Ở Thừa Thiên Huế, nấm mối mọc từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Loại này giàu dinh dưỡng, không có độc tố, mọc nhanh và tàn cũng nhanh nên phải tranh thủ thời gian thu hoạch. Nhiều người từ 3-4h đã đội đèn pin vào rừng tìm nấm.
Nhiều năm đến rừng keo tràm, anh Ninh nắm rõ vị trí có nấm mối. "Loài này kỳ lắm, chỗ này mọc thì sang năm sẽ mọc lại chỗ đó. Nấm mọc cao khỏi mặt đất 4-5 cm, ẩn trong lớp lá khô nên phải quan sát kỹ mới thấy", anh Ninh nói.
Mấy ngày qua, khu rừng keo tràm rộng hàng trăm hecta ở thị xã Hương Trà thu hút hàng chục người dân vào săn nấm mối. Theo anh Đào Xuân Minh, 31 tuổi, ở xã Hương Bình, tìm nấm đã trở thành nghề thời vụ cho thu nhập khá, nhiều người kiếm cả triệu đồng do may mắn gặp ổ nấm vài kg. Nấm mối chưa nở được thương lái mua 350.000 đồng/kg, loại nở bung giá 150.000 đồng/kg.
"Nấm mối dễ thu hoạch song để tìm được không đơn giản. Người có duyên gặp vài ổ kiếm cả triệu đồng. Người không có duyên đi bộ cả ngày trong rừng keo tràm cũng không tìm thấy", anh Minh nói và cho biết mấy hôm trước phải về tay không dù đi bộ mấy tiếng trong rừng.
Do nấm mối mọc trong rừng keo tràm lại dưới lá khô, cỏ mọc dày nên người dân cần để ý rắn rết và tránh trượt ngã.
Chuyên thu mua nấm mối, chị Nguyễn Thị Thủy, 40 tuổi, cho biết giá nấm cao song rất ít người bán. "Bà con thường bảo quản trong tủ lạnh ăn dần hoặc tặng người thân. Hôm trước, tôi ngồi cả ngày chỉ thu mua được 5 kg", chị Thủy nói.
Người dân Thừa Thiên Huế thường xào nấm mối với thịt hoặc tôm, có người nấu kèm với xôi.
Võ Thạnh