Sáng 7/12, bà Trần Thị Thu, 77 tuổi, ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, đạp xe vượt cầu Tam Giang sang đồng ruộng ngập nước ở xã Hải Dương để hái rau đắng. Công việc này gắn bó với bà hơn chục năm qua.
Tìm đến ruộng nước ngập trên mắt cá chân, bà Thu lội chân trần, tay cầm con dao nhỏ, lưng thắt sợi dây ròng chiếc chậu nhôm đựng rổ phía sau. Lưng cúi gập xuống ruộng, bà Thu tìm cắt cọng rau đắng nhô lên khỏi mặt nước rồi bỏ vào rổ nhựa. Thi thoảng bà Thu đứng thẳng, khua khoắng tay chân cho đỡ mỏi.
Rau đắng nhìn như rau sam, nhưng thân và lá nhỏ hơn, dài 10-40 cm. Từ tháng 10 đến 12, rau mọc nhiều trên đồng ruộng ngập nước, xen kẽ với cỏ dại nên phải chú ý mới phân biệt được. Trung bình mỗi ngày lội bùn giữa các ruộng nước, bà Thu hái được 5 kg rau, bán cho thương lái 20.000 đồng/kg.
Cách chỗ bà Thu hái rau khoảng 50 m, bà Nguyễn Thị Xí, 53 tuổi, ở thôn Vân Quật Đông, cũng cặm cụi dùng dao cắt từng ngọn rau đắng nổi trên mặt ruộng. Trong khoảng hai giờ, bà hái đầy một thau rau.
Hái rau đắng chỉ là công việc thời vụ dành cho người nông nhàn. Thôn Vân Quật Đông thường có 5 phụ nữ rủ nhau đi hái rau bán. Hái rau theo bà Xí rất đơn giản, tuy nhiên do lội ruộng nhiều giữa mưa lạnh nên chân tay hay ngứa, có lúc đạp phải vỏ ốc sứt cả chân.
"Năm trước, chân tay tôi bị lở loét do ngâm nước nhiều giờ. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi mua loại áo mưa gắn ủng vừa để chân khỏi tiếp xúc với nước, vừa khỏi bị giẫm đạp vỏ ốc hay mảnh vỡ thủy tinh", bà Xí nói.
Rau đắng đồng thường mọc ở bãi cỏ nơi có hơi ẩm hoặc ở bờ ruộng. Theo y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng có vị đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu độc, tiêu thũng và lợi tiểu. Loại rau này được sử dụng để sắc uống chữa ho, trị chứng tiểu gắt, tiểu buốt, đi cầu khó.
Với người dân Huế, rau đắng được dùng ăn sống hoặc nhúng lẩu.
Võ Thạnh