Nội dung vừa được Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội liên quan dự án đầu tư Vành đai 3 TP HCM. Tuyến đường đi thành phố cùng ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 này.
Kiểm toán Nhà nước cho biết theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đơn giá trung bình dự kiến đền bù trên địa bàn TP HCM được khái toán cao gấp 1,7 lần giá đất thương mại dự tính đấu giá. Theo đó, thành phố dự kiến đấu giá đất dọc tuyến vành đai với mức khoảng 15 triệu đồng mỗi m2 trong khi giá đền bù để làm công trình 26 triệu đồng một m2.
Tại Bình Dương, cơ quan kiểm toán cũng nêu diện tích đất tính toán đền bù cao hơn thuyết minh trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 11,2 ha, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng từ 1.677 tỷ đồng lên 3.920 tỷ đồng. Diện tích đất dự tính đền bù tại địa phương trên là 30 ha, trong khi ở báo cáo chỉ 18,78 ha (giá đền bù tại Bình Dương từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng mỗi m2).
Theo Kiểm toán Nhà nước, giá đền bù đất nông nghiệp tại Bình Dương đang được xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao gấp 6 lần các địa phương lân cận. Do vậy, kiểm toán đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM và Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác, phù hợp thực tế.
Liên quan phương án huy động nguồn vốn cho dự án, Kiểm toán Nhà nước cho biết HĐND các tỉnh thành đã có nghị quyết cam kết bố trí ngân sách địa phương, tuy nhiên nguồn vốn chủ yếu từ khai thác quỹ đất dọc tuyến.
Theo tiến độ, việc bố trí vốn địa phương tập trung nhiều giai đoạn 2023-2024, nhưng theo cơ quan kiểm toán, thời điểm này khó đấu giá thành công hoặc đấu giá mức thấp vì dự án trong giai đoạn thi công. Do vậy để đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần giải pháp cụ thể, chủ động hơn.
Trước đó trong việc rà soát đất dọc tuyến vành đai trên địa bàn, TP HCM thống kê khoảng 514 ha do nhà nước quản lý. Khi chưa có hạ tầng kỹ thuật trên đất, các khu này dự kiến đấu giá mang về gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn thành phố còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá. Hiện, thành phố và các tỉnh tiếp tục rà soát quỹ đất dọc vành đai để thêm nguồn vốn, ưu tiên bố trí cho Vành đai 3.
Ngoài vấn đề trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM rà soát phương án tài chính cho dự án. Tuyến vành đai được đề xuất cơ chế đặc thù là khi đưa vào khai thác sẽ thu phí hoàn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Tuy nhiên theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khi huy động vốn BOT với giá trị 13.806 tỷ đồng cần tới 28 năm thu hồi vốn. Như vậy, cơ quan kiểm toán cho rằng khi nhà nước đầu tư 100% với tổng vốn 75.378 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần), việc thu phí để hoàn vốn khó khả thi...
Vành đai 3 TP HCM tổng chiều dài gần 92 km, mang vai trò chiến lược trong kết nối giao thông, kinh tế Vùng trọng điểm phía Nam. Giai đoạn một, tuyến được được đề xuất đầu tư dài hơn 76 km, kinh phí hơn 75.378 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn này, đường làm trước 4 làn ở giữa, vận tốc 80 km/h. Hai bên tuyến xây đường song hành nhưng không liên tục mà bố trí qua các đô thị, khu dân cư có nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế...
Dự án giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ giai đoạn một, với nhu cầu sử dụng đất hơn 642 ha, tổng kinh phí đền bù khoảng 41.589 tỷ đồng.
Hạ Giang