Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội (chủ đầu tư) vừa báo cáo thành phố tiến độ dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, đi qua hai quận Ba Đình và Đống Đa.
Chủ đầu tư đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công cầu, đường, di chuyển công trình kỹ thuật (điện, nước, thông tin). Phương án di chuyển, chặt cây xanh nằm trong phạm vi dự án cũng đang được lập để trình cấp có thẩm quyền. Dự kiến, tuyến đường cơ bản hoàn thành trong quý I/2025.
Dự án phải giải phóng mặt bằng hơn 2.000 hộ dân, các đơn vị đã đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất và kiểm đếm tài sản được 98%, lập phương án đền bù gần 2.000 hộ và chi trả đền bù cho 548 hộ với giá trị hơn 1.590 tỷ đồng.
13 hộ dân khu vực góc cua nút giao Nguyễn Chí Thanh không đồng ý cho cán bộ địa chính đo đạc. Ngoài ra, khu vực cầu vượt các nút giao Láng Hạ - Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, người dân đã nhận tiền đền bù, nhận nhà tái định cư, nhưng không bàn giao mặt bằng. Do đó Ban Quản lý dự án đề nghị cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc với 13 hộ dân khu vực góc cua nút giao Nguyễn Chí Thanh và cưỡng chế thu hồi đất với số hộ ở cầu vượt các nút giao.
Về quỹ nhà tái định cư phục vụ dự án, thành phố đã bố trí 2.589 căn tại CT3 khu đô thị Nghĩa Đô (Bắc Từ Liêm), nhà 30 T1, T2 khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy), chung cư C1-289A Khuất Duy Tiến (Cầu Giấy), dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư X2 Đại Kim (Hoàng Mai). Hai quận Đống Đa, Ba Đình đã tổ chức bốc thăm 581 căn hộ tái định cư cho các hộ dân, 898 căn đã đủ điều kiện bàn giao sẽ tổ chức bốc thăm trong thời gian tới.
Dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m. Điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Tổng đầu tư dự án gần 7.200 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng, xây dựng đường 636 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng chậm tiến độ.
Cuối năm 2023, TP Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh quy mô đầu tư của dự án, giảm mặt cắt ngang đoạn tuyến qua khu vực Đài Truyền hình Việt Nam, điều chỉnh các hạng mục cấp nước, chiếu sáng, kỹ thuật. Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án vẫn giữ hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó giảm khoảng 200 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng lại tăng chi phí dự phòng 200 tỷ.
Tuyến vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km. Nếu hoành thành đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục, đây sẽ là vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín.
Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 tuyến chính gồm 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5). Tuy nhiên, đến nay chưa tuyến nào hoàn thành.
Võ Hải