Năm nay 84 tuổi, bà nội tôi duy trì lối sống đơn giản. Mỗi bữa chỉ ăn lưng bát cơm, chút canh và ít thức ăn mặn. Bà hầu như không ăn đồ quá bổ dưỡng hay đắt tiền, kể cả khi con cháu mua về.
Khi lượng tiền tiết kiệm trong chiếc túi vải nhỏ đạt 4 hay 5 triệu đồng, bà nhờ mẹ tôi đi mua một chỉ vàng.
Hồi tôi còn nhỏ, bà cất tiền và những chiếc nhẫn vàng bốn số 9 loại một chỉ vào dải yếm buộc ở thắt lưng, còn bây giờ bà gửi mẹ tôi giữ hộ trong tủ. Tôi thường hỏi "bà tiết kiệm làm gì? sao không chi tiêu cho thoải mái?". Bà cười vì như thế mới an tâm, phòng khi có việc.
Việc bà thường dùng nhất là tặng cho các cháu nếu có đám cưới, sinh con, hay họ hàng có giỗ chạp.
Ở tuổi ngoài 30, vợ chồng tôi thấy cách sống của bà rất cũ. Chúng tôi gần như không tiết kiệm được gì nhiều, ngoài một phần nhỏ trong lương tháng của vợ tôi. Nhưng với bà và bố mẹ tôi, dù thu nhập rất ít, họ vẫn coi tiết kiệm như một niềm vui.
Theo Hội đồng vàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 14 toàn cầu về lượng vàng tiêu thụ theo đầu người.
Vàng chỉ là một trong các phương tiện cất giữ tài sản của người Việt, bên cạnh tiền và các tài sản khác. Báo cáo của Nielsen công bố năm ngoái cho biết Việt Nam là quốc gia có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới với tỷ lệ 72%.
Còn theo công bố gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư tại các tổ chức tín dụng đang là 11,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền gửi của dân cư là 5,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2019, tương đương với số tiền gần 300 nghìn tỷ đồng.
Nếu chia bình quân theo số dân, mỗi người Việt bất kể độ tuổi đang gửi ngân hàng hơn 52,3 triệu đồng. Con số này bằng 64% thu nhập bình quân đầu người năm 2020, theo Tổng cục thống kê.
Đây có thể tạm coi là một "kỷ lục" thế giới về tiết kiệm. Điều này rất lạ với nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các nền kinh tế phát triển, được coi như những nền kinh tế tiêu dùng như Mỹ hay châu Âu. Nơi đa số người dân luôn có những khoản nợ ở các nhà băng trong hầu hết cuộc đời mình.
Có lẽ đó là tính cách đặc trưng được dẫn truyền qua nhiều thế hệ trên nền văn minh lúa nước và lịch sử nhiều thăng trầm. Kết quả mùa màng luôn phụ thuộc vào điều kiện khắc nghiệt và thất thường của thời tiết, chưa kể chiến tranh. Thói quen "tích cốc phòng cơ" để có "thóc đầy bồ, vàng đầy ống" là phương châm nằm lòng của các thế hệ đi trước.
Ở góc độ quốc gia, nguồn tiết kiệm trong dân là một thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, nếu không nói là bệ đỡ quan trọng khi kinh tế lung lay trong cuộc khủng khoảng kinh tế châu Á 2008-1010. Còn xét trên góc độ của từng cá nhân và gia đình, tiết kiệm là nguồn bảo đảm vững chắc nhất cho tương lai.
Về mặt lý thuyết, tiết kiệm quốc gia gồm tiết kiệm tư nhân và tiết kiệm chính phủ. Tỷ lệ tiết kiệm cao đồng nghĩa với nguồn vốn dành cho đầu tư cao, trong đó tiết kiệm tư nhân đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với quốc gia như Việt Nam, nơi thâm hụt ngân sách dương hay tiết kiệm chính phủ đôi khi ở mức âm.
Tuy nhiên, tiết kiệm cao sẽ là trở lực nếu nguồn tiền không đi vào sản xuất, lưu thông và nằm im dưới các ngăn tủ. Hoặc ở chiều ngược lại, lượng tiền trong dân lớn nhưng chảy vào dòng đầu cơ như những cơn sốt đất. Hiện tượng đầu cơ còn có thể bóp méo môi trường kinh doanh.
Kinh tế gia John Maynard Keynes đã chỉ ra công thức để điều tiết vĩ mô nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập: khuyến khích tăng đầu tư và giảm tiết kiệm. Chủ trương này được Chính phủ nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chính phủ với các địa phương cuối năm ngoái "dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cỗ xe tam mã: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng".
Trong khi các dự án đầu tư công lớn đang ách tắc trầm trọng vì thiếu vốn thì tiền trong dân đang dư dả. Tất nhiên, người dân không có nhiệm vụ phải lo vốn cho đầu tư công. Nhưng Chính phủ cũng đã nhận ra vấn đề. Một trong những điểm nghẽn mà Chính phủ đặt lên bàn nghị sự trong giai đoạn 2021-2025 là làm sao thu hút được nhiều hơn nữa vốn của người Việt Nam vào sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, huy động vốn từ xã hội cho tăng trưởng được nhiều chuyên gia cho là giải pháp cứu cánh.
Thay đổi thói quen tiết kiệm và khuyến khích đầu tư của cả xã hội, đầu tiên, phải tạo ra nhiều kênh đầu tư lành mạnh, hay đơn giản là có nhiều chỗ để cho dân tiêu tiền.
Thứ hai, sử dụng chính sách "đẩy" thông qua việc tạo ra các nút chặn trong chính sách tiền tệ để cho dòng tiền đầu cơ bớt chảy vào bất động sản. Sử dụng chính sách "kéo" bằng cách minh bạch hóa thông tin, tạo ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với các dự án đầu tư công, giảm bớt cơ chế xin-cho và giúp người dân có đủ thông tin để không chạy theo các trào lưu làm giàu thần tốc như Lan đột biến.
Thứ ba, trái phiếu công trình theo tôi có thể là công cụ hữu hiệu. Chính phủ có thể xây dựng cơ chế, thông qua các tổ chức trung gian để phát hành cho dân chúng. Chúng ta còn nhớ, công trái xây dựng tổ quốc những năm 1980 đã giúp chính phủ vực nền kinh tế đi lên như thế nào trong bối cảnh ngân sách quốc gia cạn kiệt.
Nếu chính phủ phát hành trái phiếu này với mức lợi suất hấp dẫn tối thiểu bằng hoặc cao hơn lãi suất tiết kiệm, tôi tin nhiều người dân sẽ mua, trong đó có bà tôi, cũng như cách bà đã ủng hộ thóc gạo trong kháng chiến để chống Mỹ.
Theo công thức EAST (Easy, Attractive, Social and Timely) của giáo sư kinh tế Richard Thaler, nhà nước sẽ tạo niềm tin cho toàn xã hội nếu ban hành được các chính sách dễ thực hiện, dễ gây chú ý, mang tính xã hội và hợp thời. Chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm hay đeo khẩu trang đã thành công theo cách đó.
Xây dựng cơ chế cho trái phiếu công trình không đơn giản, đòi hỏi sửa nhiều luật và quy định, sự chung tay của nhiều tổ chức. Nhưng nếu được thiết kế hợp lý, nó sẽ là một loại chứng khoán chính phủ được ưa thích. Khi các dự án hạ tầng và giao thông đô thị đang bị ách vì thiếu vốn, "mượn" tiền trong dân là cách để các công trình tăng tốc, cũng là sức ép để các dự án minh bạch hóa.
"Mượn" tiền trong dân về bản chất còn là việc Chính phủ bán niềm tin và chính sách, qua đó sẽ nhận lại "phần thưởng" của mình.
Vũ Hồng Thanh