Đặc thù của đơn vị anh, thực thi các dự án vệ sinh môi trường, là có nhiều hoạt động đào đường, lắp đặt cống, dễ gây ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt công cộng. Quy trình và thủ tục triển khai một dự án rất mất thời gian bởi phải xin phép một loạt các sở, ngành của tỉnh, chỉ riêng việc đào đường và lắp cống.
"Với môi trường chính sách hiện nay, cứ đúng quy trình thì phải đợi xin phép và dừng thi công", anh chia sẻ. Dừng thi công, đơn vị anh sẽ chịu áp lực giải trình trước người dân và chính quyền, rằng tại sao nhà nước đã cam kết đấu nối cống cấp ba cho các hộ gia đình chúng tôi mà các anh mãi không làm.
Sau nhiều trắc trở, anh và cộng sự đã đề xuất một quy trình, kèm mô hình triển khai dự án hoàn toàn mới báo cáo ban quản lý dự án của tỉnh. Ban báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh để xin được phân cấp quản lý mạnh hơn.
Bình thường, việc này không dễ, nhưng chính bức xúc của người dân về việc trễ tiến độ công trình đã khiến lãnh đạo tỉnh cho phép họ có được cơ chế mới. Dự án anh thi công trở thành một trường hợp hiếm hoi của tỉnh hoàn thành đúng tiến độ và không vượt dự toán. Trong khi đó, vẫn còn các dự án khác mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của thủ tục cũ.
Khuyến khích những người dám thay đổi là điều kiện để nền kinh tế có thêm đột phá. Bởi muốn đột phá, cần những con người có tư duy và hành động đột phá.
Trong quá trình quan sát kinh tế, tôi nhận thấy, những người muốn đột phá trong hệ thống đôi khi gặp những lỗi kỹ thuật, nhưng nếu vì thế mà bị khiển trách, cô lập, nhuệ khí của họ mau chóng tàn lụi. Đương nhiên, những cán bộ làm sai để trục lợi hay vì lợi ích nhóm vẫn phải xử lý nghiêm minh - để phân biệt với hành động đột phá nếu bị lỗi kỹ thuật lại cần được bảo vệ.
Sự bảo vệ chỉ đến từ bộ máy lãnh đạo công theo đuổi tư duy kiến tạo và thúc đẩy một xã hội cởi mở. Ở đó, người dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích rõ ràng của những hành động chính sách lấy dân làm gốc.
Những ngày qua, được hỏi về Chính phủ mới, từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng một trong những ưu tiên đáng mong đợi với kinh tế Việt Nam ở nhiệm kỳ Chính phủ mới là cải thiện sự xin - cho trong khu vực kinh tế tư nhân.
Đường lối của Đại hội Đảng đã nêu rõ rằng Việt Nam chú trọng ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng ưu tiên là thế nào?
Doanh nghiệp tư nhân đã phát triển rất mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua. Bộ mặt đất nước đã đổi thay, nền kinh tế lớn mạnh hơn là nhờ tinh thần kinh doanh của khối dân doanh và tư nhân. Nhưng vấn đề lớn nhất của khu vực này đến nay vẫn là câu chuyện xin-cho trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, thủ tục, nguồn lực về đất đai và vốn.
Một nhà nước hữu hiệu hay chính phủ kiến tạo đầu tiên thể hiện ở việc khởi tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho mọi ý tưởng làm ăn. Tiếp xúc với giới doanh nhân, tôi thấy mong muốn lớn nhất của họ vẫn là cắt giảm thêm các điều kiện kinh doanh, được bình đẳng tiếp cận cả cơ hội lẫn nguồn lực trên cơ sở cạnh tranh theo cơ chế thị trường, không phải xin - cho nữa.
Một doanh nghiệp ở TP HCM kể với tôi, cách đây vài năm, họ bị loại trong đấu thầu một dự án của nhà nước về quản lý và bảo dưỡng đường bộ khu vực phía Bắc. Ban đầu, doanh nghiệp được cán bộ nhà nước đánh giá "hoàn toàn đạt yêu cầu" về năng lực, kinh nghiệm và lọt vào vòng thầu trong. Nhưng ngay sau đó, cơ quan quản lý nhà nước lại bất ngờ ra văn bản cho rằng nhà thầu kê khai nhân sự ở miền Nam. Và như vậy, nhân sự ở miền Nam không đáp ứng tính chất sẵn sàng huy động để tham gia việc quản lý, bảo dưỡng công trình ở phía Bắc. Doanh nghiệp của anh vì thế bị loại.
Việt Nam đang bước vào công cuộc tái khởi động đà phát triển hậu Covid. Những giải pháp mang tính đột phá đã được Đảng đề ra, nhưng lại chưa thể thực thi vì tâm lý lưỡng lự ở một số nơi, rằng sợ tạo cơ chế ưu tiên cho địa phương này thì mất sự ủng hộ ở chỗ khác. Nó có thể gián tiếp tạo ra các dạng thức xin-cho.
Phát triển kinh tế phải chấp nhận đánh đổi, nhưng giá là bao nhiêu?
Tôi cho rằng chìa khóa thành công của Chính phủ mới là sự chọn lựa các ưu tiên trên giấy để triển khai ngay từ bây giờ. Trong đó, tôi kỳ vọng sự đảm bảo cho doanh nghiệp tư nhân có được các nguồn lực trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ những người có năng lực, dám nghĩ dám làm nhất trong bộ máy quản trị công. Bởi chính những người dũng cảm, như thực tế chứng minh, sẽ thực thi chính sách hiệu quả nhất.
Giới kinh doanh đang chờ xem các hành động chính sách để biến những ưu tiên trên giấy thành hiện thực của Chính phủ mới sẽ là gì.
Nguyễn Xuân Thành