![]() |
DFS tại nhà ga mới của sân bay Tân Sơn Nhất cũng chưa hấp dẫn được khách. Ảnh: LĐ. |
Chị Thúy Nga, một hành khách đang chuẩn bị đi Singapore, cho biết, chị thường dành tiền để mua hàng miễn thuế ở sân bay Changi vì hàng hóa ở đó nhiều vô kể, còn ở Nội Bài thì xấu quá. Nếu có mua, chỉ cũng chỉ chọn rượu hoặc thuốc lá, bởi không phải vác cồng kềnh từ nước ngoài về.
Tại các dãy hàng nội địa, tình hình cũng không khá hơn. Laura, một du khách Mỹ, cho biết: "Tôi muốn mua đồ lưu niệm về làm quà cho gia đình, song ở DFS này ít hàng quá. Tôi tiếc vì đã không mua đồ ở Hàng Bông, Hàng Gai, vì cứ nghĩ ra DFS ở sân bay sẽ nhiều hàng hơn và giá phải chăng hơn".
Vắng khách, nhân viên bán hàng ngồi xem tivi, nếu có khách thì họ cũng mặc kệ "thượng đế" tự đi tham quan, và chỉ ngó ra nếu khách cất tiếng hỏi. Khu tầng hai vốn được xây dựng dành cho các gian hàng miễn thuế gần như bị bỏ hoang bởi không có doanh nghiệp thuê mặt bằng.
Giữa tháng 8 vừa qua, nhà ga mới của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chính thức đi vào hoạt động và được xem là một trong những sân bay ngang tầm khu vực, song các DFS ở đây vẫn nghèo cả về số lượng và chủng loại.
Trong khi đó, DFS tại các sân bay ở riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương mỗi năm đã mang lại lợi nhuận hơn 20 tỷ USD, đóng góp trên 30% tổng doanh thu của các cảng hàng không.
Chị Thu Quyên, một nhân viên của hệ thống bán hàng miễn thuế, lý giải, giá thuê mặt bằng cao khiến giá sản phẩm bị đội lên, nên nhiều người ngại đầu tư vào đây.
Số lượng và chủng loại của các DFS trong thành phố còn khiêm tốn hơn cả ở sân bay. Vì thế, dù mức hạn định được mua là 300 USD, nhiều người cũng chẳng dùng hết tới một nửa suất. Khách mua không hết hạn định sẽ nhận được lời gợi ý của các nhân viên bán hàng xin "mua ké" khi thì chai rượu, cây thuốc, lúc thì máy giặt, điều hoà, tủ lạnh.
(Theo Lao Động)