Thị trường vàng đang chuyển biến: khách hàng chuyển từ mua vàng miếng SJC sang mua vàng nhẫn trơn bốn số chín.
Tôi trò chuyện với một người tới tiệm, bán vàng miếng SJC để mua vàng nhẫn, vì sao chị làm vậy. Chị trả lời giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng, sát với giá thế giới, khoảng cách chênh lệch giá mua - bán cũng ít hơn so với vàng SJC. Quan trọng nhất, theo chị, vàng miếng SJC cao hơn vàng quốc tế 18-20 triệu đồng/lượng, rủi lỡ giá thế giới biến động mạnh theo chiều giảm, chị phải "gánh" cả cái phần chênh lệch kia thì... nguy!
Từ đầu năm đến nay giá vàng nhẫn tăng xấp xỉ 5% tùy thương hiệu. Đầu năm giá mua bán vàng nhẫn xoay quanh 6,2- 6,3 triệu đồng/chỉ, ngày 3/3 là 6,52-6,62 triệu đồng/chỉ. Cùng thời gian trên vàng quốc tế dao động trong ngưỡng 2.000-2.070 USD/ounce, tương đương 61-63 triệu đồng/lượng chưa tính thuế, phí. Cuối tuần trước, giá thế giới bất ngờ đóng cửa ở 2.091,6 USD/ounce, tức bằng 63,8 triệu đồng/lượng. Nếu tính thuế và phí, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn nội địa và giá quốc tế chừng 500.000 -700.000 đồng/lượng.
Thực tế, những người mua vàng hai tháng qua đang có lãi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Giả sử đầu năm người ta mua vàng nhẫn 6,3 triệu đồng/chỉ và nay bán 6,52 triệu đồng/chỉ, họ lời 3,5%/hai tháng. Đây là lý do chính giúp vàng nâng thứ hạng như một kênh đầu tư trên bảng tổng sắp chứng khoán, tiết kiệm, bất động sản.
Kênh đầu tư nào lợi nhuận cao, tiền sẽ chảy vào đó, thường tình như nước chảy chỗ trũng. Nhu cầu mua vàng tăng lên, song nguồn cung nhập khẩu chính thức vẫn đóng, là một yếu tố hỗ trợ giá vàng nội địa. Nghi vấn vàng nhập lậu vào Việt Nam đang ngày một lớn bởi giá USD thị trường tự do tăng mạnh, cao hơn nhiều giá USD chuyển khoản bán ra của các ngân hàng. Từ mấy chục năm nay, mối liên quan giữa giá vàng trong nước và biến động tỷ giá thị trường tự do vẫn là câu chuyện thời sự. Mối liên quan này quen thuộc đến nỗi mỗi khi tỷ giá chợ đen tăng, bộ phận kinh doanh ngân quỹ, ngoại hối của các nhà băng chỉ nhìn giá vàng quốc tế - nội địa là hiểu ngay vấn đề.
Điều gì đang tác động đến giá vàng trong nước? Trước tiên là giá vàng quốc tế. Điểm khác của vàng nhẫn và vàng miếng SJC là vàng nhẫn có sự liên thông với quốc tế, còn vàng miếng SJC thì không. Nguyên liệu cho vàng nhẫn được các doanh nghiệp mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường, trong đó có nguồn nghi vấn nhập lậu. Vàng miếng SJC bị cắt đứt nguồn cung. Ngoài ra vàng nhẫn còn được sản xuất từ khả năng phân kim, làm mới từ nguồn vàng cũ trong nước.
Cơ bản hơn cả, vàng nhẫn không bị "ngăn sông cấm chợ". Bất kỳ tiệm vàng nào cũng có thể mua bán vàng nhẫn. Từ đây mặt bằng giá vàng nhẫn được hình thành trên diện rộng, giảm thiểu khả năng đầu cơ từ một số chủ thể nào đó trên thị trường.
Trong khi đó những doanh nghiệp có thể mua bán vàng miếng SJC phải đáp ứng điều kiện trong Nghị định 24 về kinh doanh vàng của Nhà nước. Cụ thể những doanh nghiệp này phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; có ít nhất ba chi nhánh ở ba địa phương khác nhau và đóng thuế hai năm liên tiếp trên 500 triệu đồng/năm. Tuân thủ những quy định bắt buộc trên, hiện cả nước chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện mua bán vàng miếng SJC, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Tại sao lại không cho phép doanh nghiệp được mua bán vàng miếng SJC trong khi ai cũng được sở hữu vàng? Dường như đây là điểm mâu thuẫn và kinh doanh vàng miếng SJC đang bị ràng buộc quá chặt bởi các quy định không cần thiết.
Trước sự bất cân xứng của cung cầu thị trường vàng, đang tồn tại ý kiến khác nhau về sự can thiệp của Nhà nước để đưa giá vàng nội ngang giá vàng ngoại. Thực tế chỉ ra giá vàng nhẫn không cần sự can thiệp của Nhà nước vẫn bám sát giá vàng ngoại và ảnh hưởng của vàng miếng SJC đã bắt đầu thu hẹp.
Như một người theo dõi thị trường vàng nhiều năm, tôi cho rằng Nhà nước không cần trực tiếp đứng ra nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường trong nước. (Nhà nước đưa vàng vào cơ cấu quỹ dự trữ ngoại hối là một vấn đề khác). Giá vàng quốc tế thay đổi hàng ngày, nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Ổn định giá vàng trong nước là bất khả kháng. Thế nhưng Nhà nước hoàn toàn có thể quản lý thị trường vàng thông qua việc cấp phép xuất nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý, chế tác nữ trang. Việc cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vàng, sản xuất vàng miếng thí điểm với nhiều thương hiệu khác nhau sẽ cân bằng cung cầu thị trường. Để làm được việc này, vàng cần được nhìn nhận như một loại hàng hóa đúng với bản chất của nó. Hiện nay theo quy định của Nhà nước, vàng là tài sản có thể chuyển đổi thành tiền của bất cứ quốc gia nào, do đó là ngoại hối.
Tôi tin khi không còn "một mình một chợ", vàng miếng SJC, với sự xuất hiện của các thương hiệu khác và sự dịch chuyển của người tiêu dùng về hướng vàng nhẫn, sẽ tự cân chỉnh sự chênh lệch giá của nó với giá vàng nhẫn và trở về mặt bằng giá quốc tế. SJC là thương hiệu mà một phần giá trị của nó đang tiếp tục được gia cố bằng sự độc quyền.
Nhìn lại lịch sử, khoảng năm 1993-1995, trong một cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Hữu Định - người sáng lập Công ty Vàng bạc Đá quý TP HCM - SJC, cho tôi biết, SJC ra đời chỉ với một tờ quyết định thành lập, không có đồng vốn nào. Vài năm sau đó, ông Định cùng một đồng nghiệp đã "khăn gói quả mướp" sang Italy chọn lựa và đặt hàng khuôn dập vàng miếng SJC. Từ đấy (năm 1988) cho đến khi Ngân hàng Nhà nước tiếp quản và đem máy dập vàng miếng vào lưu kho, SJC đã đưa ra thị trường hơn 30 triệu lượng vàng miếng thương hiệu SJC.
Hiện nay không có thống kê chính xác còn bao nhiêu lượng vàng miếng SJC trên thị trường. Trong những năm 2012- 2021 giá vàng đi ngang và nhiều thời điểm giá vàng nội thấp hơn vàng ngoại, vàng miếng SJC đã được xuất lậu. Những dây vàng miếng SJC 14 lượng được nghi vấn thu gom và "vượt" qua biên giới.
SJC là thương hiệu có giá trị lịch sử. Nhưng nó đã ra đời, lớn lên và hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình. Giữ SJC bằng sự độc quyền sẽ không tốt cho một thị trường nhạy cảm như thị trường vàng.
Sự lấp lánh của vàng mang tính chu kỳ, trộn lẫn tính đầu tư và đầu cơ. Giá vàng không thể xuống mãi và cũng không thể lên mãi. Ngay cả những người đầu tư 5-10 năm cũng chỉ bỏ một phần tiền nhàn rỗi vào vàng. "Lướt sóng" vàng khi không biết bơi là trò chơi mạo hiểm.
Hải Lý