Hôm nay, giá vàng nhẫn trơn tăng mạnh, lập kỷ lục mới khi vượt 77 triệu đồng. Giá loại vàng này có sự khác biệt giữa các thương hiệu. Tại Bảo Tín Minh Châu, mỗi lượng vàng loại này bán ra gần 77,5 triệu đồng, mua vào 75,8 triệu. So với hôm qua giá tăng trên 2 triệu đồng một lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI neo vàng nhẫn 24K quanh 76,1 - 77,8 triệu.
Giá leo thang khiến sức mua của người dân tăng vọt. Khảo sát tại TP HCM lúc 16h chiều 9/4, các thương hiệu vàng lớn như Mi Hồng, DOJI, PNJ đều thông báo "cháy" nhẫn tròn trơn 24K. Tới cuối giờ chiều, nhiều người dân tới hỏi mua và đành bỏ về khi hết hàng.
Tại DOJI, nhân viên cho biết các cửa hàng khu vực nội thành đều hết sạch nhẫn trơn, chỉ còn một vài nơi còn loại 1 lượng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại PNJ.
Còn tại thương hiệu vàng lâu đời Mi Hồng, nhân viên cho biết nhẫn tròn trơn nhanh chóng hết hàng sau thời gian ngắn mở cửa. "Hiện, nhân công dập vàng đã nghỉ. Phải tới giờ mở cửa ngày mai, cửa hàng mới có nhẫn trơn trở lại", nhân viên này cho biết.
Những ngày gần đây, giao dịch nhẫn trơn và vàng miếng tăng lên trong khi lực mua vàng nữ trang rải rác, nhân viên Mi Hồng cho biết. Cửa hàng này hiện giới hạn mỗi người mua tối đa 2 chỉ nhẫn trơn và 5 lượng vàng miếng SJC, nhằm đủ hàng bán cho nhiều người dân.
Tại trụ sở của SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), nhân viên cửa hàng cũng cho biết doanh nghiệp này giới hạn mỗi người mua tối đa 5 chỉ nhẫn trơn, khi giao dịch tăng mạnh những ngày gần đây.
Tại Hà Nội, tình trạng khan hàng cũng diễn ra. Chi nhánh DOJI Cầu Giấy đến 18h còn vài chiếc nhẫn. Một chi nhánh khác của doanh nghiệp này trên đường Xã Đàn (Hà Nội) thông báo chỉ còn một nhẫn loại 1 chỉ và vài chiếc loại 2 chỉ. Tại những cửa hàng khác, mặt hàng này cũng ở trạng thái "cháy hàng", không đủ đáp ứng nếu khách có nhu cầu mua lượng lớn.
"Nhẫn tròn hiện tại khan hàng trên toàn hệ thống, muốn mua số lượng lớn anh có thể để lại thông tin, khi nào có cửa hàng liên hệ", nhân viên bán hàng một tiệm vàng nói. Một số cửa hàng khác hẹn khách liên hệ lại vào trưa và chiều mai, bởi khi đó "mới có hàng".
Nhẫn tròn trơn "cháy hàng" xuất phát từ lực cầu mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế. Tình trạng này từng diễn ra vào dịp sau Tết Nguyên đán và vía Thần Tài.
Từ phía người dân, nhu cầu mua loại vàng này tăng lên trong bối cảnh giá thế giới leo thang. Một bộ phận người dân cũng chuyển từ tích lũy vàng miếng sang nhẫn trơn.
Về bản chất, nhẫn 24K cùng chất lượng tương tự vàng miếng SJC độc quyền bởi Nhà nước, nhưng giá rẻ hơn. Trước sự dịch chuyển này, giá vàng nhẫn trơn từ đầu năm nay ghi nhận mức tăng mạnh hơn so với vàng miếng. Khoảng cách giá giữa hai loại này ngày càng thu hẹp. Tới cuối chiều 9/4, giá bán nhẫn trơn tại các thương hiệu dao động tại mức kỷ lục từ 74,5 đến 77 triệu đồng một lượng.
Ngoài lực cầu tăng mạnh, nhẫn trơn "cháy hàng" còn do nguồn cung của doanh nghiệp bị hạn chế.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, việc siết các vụ buôn lậu và điều tra của Bộ Công an gần đây khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nước e ngại thu mua vàng nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng yêu cầu doanh nghiệp phải nhập hàng có hóa đơn nguồn gốc rõ ràng.
Trong bối cảnh này, họ có tâm lý lo ngại rủi ro pháp lý khi thu mua vàng nguyên liệu về chế tác vàng nhẫn. Trong khi đó, từ lâu, doanh nghiệp cũng không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu nguyên liệu để chế tác vàng.
Cuối năm ngoái, Hiệp hội kinh doanh vàng từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp hàng đầu là SJC, DOJI, PNJ, mỗi đơn vị nhập khẩu 500 kg vàng để chế tác nữ trang. Nhưng tới nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.
Ngoài ra, nhẫn trơn là mặt hàng có biên lợi nhuận thấp hơn so với các loại vàng khác, nên không được ưu tiên kinh doanh tại nhiều thương hiệu lớn.
Quỳnh Trang - Minh Sơn