Giá vàng liên tiếp đi lên trong ngày 9/4. Lúc 14h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng miếng lên 82,1 - 84,1 triệu đồng một lượng, tăng 200.000 đồng mỗi chiều mua - bán so với cách đó khoảng 30 phút.
Ngưỡng này không giữ được lâu, tới 15h, SJC tăng thêm 300.000 đồng, lên 82,4 - 84,4 triệu đồng. Khoảng15 phút sau đó, giá lại điều chỉnh thêm 400.000 đồng mỗi lượng, lên 82,7 - 84,7 triệu.
Trong khi đó, giá vàng tại DOJI giao dịch quanh 80,5 - 84 triệu đồng. Còn tại Bảo Tín Minh Châu loại vàng này được niêm yết ở 82 - 84,2 triệu.
Như vậy, trong ngày mỗi lượng vàng miếng đắt lên hơn 2 triệu đồng.
Tới cuối giờ chiều, kim loại quý được SJC niêm yết 84,8 triệu đồng chiều bán ra, mua vào 82,8 triệu. Tại DOJI, giá cũng lên 81,5 - 84,7 triệu. Khoảng cách chênh giữa chiều mua và bán được các nhà vàng giữ ở mức 2 - 3 triệu đồng.
Vàng miếng trong ngày hôm nay tăng mạnh dù kim loại quý trên thị trường quốc tế theo xu hướng đi ngang. Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng lượng vàng miếng trên thị trường còn rất ít, do đó chịu chi phối nhiều bởi lực mua bán trong nước thay vì diễn biến sát thế giới. Thời gian qua, trong bối cảnh người dân lo ngại về những rủi ro chính sách, mặt hàng này có xu hướng đi ngang và tăng thấp hơn so với biến động của thế giới.
Do đó, chênh lệch giữa vàng miếng và thế giới cũng được thu hẹp đáng kể, từ mức 18-20 triệu đồng về chỉ còn khoảng 12-13 triệu đồng một lượng. Ước tính, từ đầu năm nay, mỗi lượng vàng miếng đã tăng khoảng 9,7 triệu đồng, tương đương hơn 12,2%, kém hơn hiệu suất của vàng nhẫn trơn 24K.
Vàng nhẫn trơn hôm nay cũng tăng mạnh, lập kỷ lục mới khi vượt 77 triệu đồng. Giá nhẫn trơn có sự khác biệt giữa các thương hiệu. Lúc 14h30, tại Bảo Tính Minh Châu, mỗi lượng vàng nhẫn tăng gần 1,5 triệu đồng lên 75,5 - 77 triệu đồng.
Cùng thời điểm, DOJI neo loại vàng này tại 75,55 - 77,25 triệu đồng. Còn tại SJC, giá được điều chỉnh liên tục, lên 73,7 - 75,1 triệu đồng.
Lúc 14h30 theo giờ Hà Nội, giá vàng thế giới cũng giao dịch ở vùng giá kỷ lục, 2.350 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá thế giới tương đương 71,2 triệu đồng một lượng, thấp hơn vàng miếng trong nước 12,5 triệu đồng và kém vàng nhẫn 3,8-5,5 triệu đồng một lượng.
Ghi nhận tại TP HCM, nhân viên của các thương hiệu lớn như DOJI, PNJ đều cho biết các cửa hàng nội thành đều "cháy" hàng nhẫn trơn 24K, chỉ còn một số nơi có loại 1-2 lượng. Còn tại SJC, nhân viên cho biết lượng khách giao dịch đông đúc trong vài ngày trở lại đây trước diễn biến giá thế giới lên mạnh.
Giá đi lên do nhiều yếu tố, căng thẳng tại Trung Đông, kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất, đầu cơ và nhu cầu của các ngân hàng trung ương. Những điều này giúp kim loại quý duy trì đà tăng, bất chấp số liệu công bố hôm qua cho thấy thị trường việc làm Mỹ sôi động trong tháng 3.
Theo Goldman Sachs, căng thẳng địa chính trị khiến các ngân hàng trung ương tăng nắm giữ vàng. Hoạt động mua vàng của các nhà băng, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (EFT vàng) thời gian qua. Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy giá vàng là nhờ vào nhu cầu bán lẻ. "Hiệu ứng giàu có" do thu nhập tăng ở các thị trường mới nổi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng vàng, đặc biệt là đồ trang sức.
Trên Kitco, Nicholas Frappell - Giám đốc Các thị trường Tổ chức tại ABC Refinery cảnh báo giá có thể điều chỉnh. Ông cho biết mình "hiện rất thận trọng với giá vàng ở mức này do thị trường dường như đã tăng quá nhanh, mạnh".
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng trong nước vẫn neo cao ở vùng 24.760 - 25.130 đồng. Tuy nhiên, giá USD trên thị trường chợ đen giảm nhiệt, quanh 25.280 - 25.400 đồng.
Quỳnh Trang