Trước đây tiệm của bà mỗi tháng mua vào khoảng một, hai ký (mỗi ký tương đương 26,666 lượng) vàng nhẫn, dây chuyền, lắc tay... đủ mọi thương hiệu và bán ra cũng chừng đó. Nay số lượng mua vào tới 4-5 ký mỗi tháng, tăng gấp đôi, gấp ba.
Không chỉ tại các tiệm vàng tư nhân, doanh số mua gom vàng nguyên liệu trên thị trường của các doanh nghiệp và ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng cũng tăng vọt. Năm 2020-2022 một công ty nữ trang mua gom trung bình 30-40 kg vàng nguyên liệu mỗi tháng. Hiện tại, đặc biệt từ tháng 10/2023 sức mua gom nguyên liệu vàng vọt lên hàng trăm ký, thậm chí cả tấn/tháng/đơn vị. Ngoài việc chuẩn bị nữ trang cho dịp lễ Tết và ngày Thần tài, một số doanh nghiệp tăng cường mua gom vàng nguyên liệu do nhu cầu vàng nhẫn trơn bốn số chín của người tiêu dùng trong chiều hướng đi lên.
Trong khi vàng miếng SJC vẫn duy trì chênh lệch với giá thế giới 14-15 triệu đồng/lượng, mua vào 73-74 triệu đồng /lượng, bán ra 75-76 triệu đồng/lượng, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang giao dịch vàng nhẫn trơn bốn số chín của các nhãn hiệu khác vì giá của chúng sát giá quốc tế. Gần đây giá vàng thế giới biến động mạnh, kéo giá vàng nhẫn trơn biến động theo, khoảng cách giữa giá mua - giá bán doãng ra, thu hút không ít người tham gia "lướt sóng". "Một số khách hàng mua vàng để đầu tư, thấy giá lên, có lời, họ liền bán và chờ mua lại", bà chủ tiệm vàng nói trên giải thích.
"Vàng bây giờ không chỉ là một thứ hàng hóa, mà còn là tài sản đầu tư và bảo toàn vốn liếng trong một thế giới bất ổn về địa chính trị với chiến tranh, với tiền được bơm ra ồ ạt thời dịch Covid, với các đợt nâng lãi suất cấp tập để chống lạm phát của ngân hàng trung ương khắp nơi" - một chuyên gia cả đời theo đuổi nghề vàng nhận xét. Theo ông, rất logic khi người ta không "bỏ tất cả trứng vào một giỏ tiết kiệm" gửi ngân hàng lúc lãi suất quá thấp. Điều này không chỉ thể hiện ở cấp độ người dân. Ngân hàng trung ương các nước thời gian qua cũng mua thêm vàng, nhất là các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Chưa kể các quốc gia phát triển có truyền thống giữ vàng nhiều hàng đầu thế giới như Mỹ, Italy, Đức, Pháp... cũng mở rộng kho vàng.
Nhu cầu vàng ở Việt Nam lúc thăng lúc trầm song luôn tồn tại, còn nguồn cung hầu như không có, nên việc nhập khẩu vàng dưới nhiều hình thức khác nhau là không tránh khỏi. Cứ khi nào nhu cầu tăng, giá vàng trong nước cao hơn quốc tế, là tỷ giá ngoại tệ thị trường tự do "nhảy nhót" do đôla mặt được gom cho nghi vấn nhập vàng lậu.
Vàng nghi vấn nhập lậu từng ký lô, khi về đến Việt Nam được dùng máy khò, khò cho mặt láng bóng, xóa sạch các ký hiệu về nguồn gốc, cắt nhỏ ra, nên thường được gọi là vàng bóng ký. Các cơ sở chế tác nữ trang khi thu gom vàng bóng ký ghi biên nhận hóa đơn mua của ông A, bà B nhưng không biết vàng ở đâu mà có. Vô hình trung, chính các cơ sở chế tác nữ trang là người hợp pháp hóa nguồn vàng nghi vấn nhập lậu.
Lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước không phải không biết điều này. Cho nên các cơ sở chế tác nữ trang tư nhân luôn lo nơm nớp. Họ không trả lời được câu hỏi của cơ quan chức năng như nguồn vàng nguyên liệu thu gom từ đâu, có rõ nguồn gốc không.
Kể từ năm 2012 Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, Việt Nam không nhập khẩu vàng chính thức, cũng không dập vàng miếng SJC. Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam có vàng miếng SJC, vàng miếng Bông Lúa, vàng miếng PNJ, vàng miếng VJC, Bảo Tín... Các loại vàng miếng khác được dập ít hơn hẳn SJC, hao hụt dần và tự chấm dứt tồn tại. Khi Ngân hàng Nhà nước quản lý bộ phận sản xuất vàng miếng của SJC thì đến lượt mảng dập vàng miếng của SJC ngừng hoạt động.
Có cầu ắt có cung. Hơn một thập kỷ Nhà nước không chính thức nhập vàng, nguồn cung vàng vẫn chảy vào Việt Nam theo nhiều ngả nghi vấn và ngoại tệ vẫn chảy ra. Trong trường hợp đứng ra nhập khẩu vàng chính thức, đấu thầu và phân bổ cho các doanh nghiệp sản xuất nữ trang tùy theo quy mô, năng lực, Nhà nước vừa chủ động quản lý được nguồn vàng, vừa cân đối ngoại tệ nhập và gián tiếp ngăn chặn việc thu gom ngoại tệ mặt nhập vàng lậu, ổn định tỷ giá. Dù gì thì mỗi khi tỷ giá thị trường tự do cao hơn quá mức tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra của các ngân hàng, là tâm lý người dân có phần không yên tĩnh.
Giải quyết sự chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế hoàn toàn có thể làm được. Xóa bỏ sự độc quyền của vàng miếng SJC, cho phép các thương hiệu vàng miếng khác được đăng ký bản quyền (nếu cần thiết) có chỗ đứng trên thị trường, tạo ra nhiều lựa chọn cho người mua, ắt chênh lệch sẽ rút ngắn lại. Quan trọng là chất lượng vàng miếng phải đảm bảo, mà việc này các doanh nghiệp vàng tự tháo gỡ được.
Ở bình diện dự trữ ngoại hối quốc gia, có lẽ Nhà nước cũng nên xem xét đa dạng hóa thành phần quỹ dự trữ ngoại hối. Các nước trên thế giới đều có vàng, các ngoại tệ mạnh khác như euro, yen, bảng Anh, franc Thụy Sĩ... bên cạnh đồng USD trong quỹ dự trữ ngoại hối. Sau khi Nghị định 24 được ban hành, một cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong một lần trả lời phỏng vấn tôi, đã nhấn mạnh quỹ dự trữ ngoại hối khi ấy có mười tấn vàng, trong đó có vàng miếng SJC. Ông khẳng định Nhà nước đủ sức can thiệp thị trường vàng nếu cần. Và đúng là trong suốt 7-8 năm sau đó thị trường vàng đã "lặng sóng".
Nắm quyền chủ động điều tiết, quản lý, kiểm soát thị trường vàng là quyền và lợi ích của Nhà nước, của quốc gia đồng thời là vì lợi ích của người tiêu dùng. Miếng vàng sẻ đôi, Nhà nước và người tiêu dùng cùng có lợi. Nếu không quản lý được mà cấm đoán, thì không những vai trò của Nhà nước trên thị trường vàng bị hạn chế, mà còn gây bất lợi cho mục tiêu ổn định giá trị tiền đồng cũng như kiểm soát lạm phát.
Hải Lý