Hệ thống dập đúc vàng miếng của doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động. Ảnh: Hoàng Hà |
Ý tưởng giao dịch một chiều này đã được đưa vào dự thảo nghị định kinh doanh vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất, một nguồn tin thân cận với ban soạn thảo cho VnExpress.net biết.
Theo nguồn tin này, đối tượng cần quản lý và siết chặt chính là hoạt động kinh doanh vàng miếng tự do, chứ không phải vàng miếng. Nếu nghị định được thông qua với ý tưởng quản lý theo kiểu giao dịch một chiều nói trên, hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ dần bị thu hẹp và tiến tới ngừng hoàn toàn. Toàn bộ hệ thống dập đúc vàng miếng của doanh nghiệp hiện nay cũng không tồn tại. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra mua vàng của người dân, doanh nghiệp, hoặc chỉ định đại lý hỗ trợ mình.
"Giá thu mua vàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước ấn định theo giá quốc tế, đảm bảo lợi ích và công bằng cho người dân. Điều này đương nhiên phải thực hiện, nếu không người dân lại bán vàng ra bên ngoài, thậm chí xuất lậu và thị trường lại méo mó không thể quản lý được", nguồn tin trên nói.
Cũng theo nguồn tin này, ý tưởng quản lý vàng miếng nói trên sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp gần nhất của Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia. Vấn đề lớn nhất cần cân nhắc là lộ trình cũng như thời điểm bắt đầu thực hiện.
Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cho rằng nên siết chặt tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do, bởi lâu nay, thị trường vàng miếng đang bị thả nổi. Hiện cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp, cửa hàng và hộ kinh doanh vàng trên cả nước. Việc thành lập một doanh nghiệp hay một cửa hàng kinh doanh vàng rất đơn giản, chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp hoạt động mà không cần phải có thêm bất cứ giấy phép con nào. Và đây cũng không phải là một ngành kinh doanh có điều kiện.
"Để thị trường hoạt động một cách có tổ chức là rất nên, nhưng quản lý thế nào tổ chức thế nào cần cân nhắc vì còn ảnh hưởng nhiều tới thói quen tiêu dùng, đầu tư", ông Phú khuyến cáo.
Theo ông Phú, việc xây dựng nghị định quản lý phải đảm bảo làm sao để thị trường vàng vận hành đúng theo cơ chế thị trường, thu hút được lượng vàng lớn đang tồn tại trong dân. Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện vào khoảng 300-400 tấn, tương đương 16-20 tỷ USD.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc cũng tán đồng quan điểm này. Ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên quản lý theo hướng gom lại các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh trong nước.
Người dân có thể không được mua vàng miếng nữa. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông cho biết Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (do ông là phó chủ tịch) chưa được tham gia ý kiến vào nghị định mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng. Tuy nhiên, sẽ khó thành hiện thực nếu quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng theo hướng Ngân hàng Nhà nước chỉ mua vào mà không bán ra.
"Vàng miếng là một kênh tích trữ tài sản được người dân Việt Nam ưa chuộng. Quản lý một chiều như vậy sẽ khuyến khích người dân mua vàng lậu, còn doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách đối phó", ông Trúc lo ngại.
Với kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu và kinh doanh vàng miếng, ông Trúc cho rằng chưa có nước nào trên thế giới quản lý vàng miếng kiểu như vậy. Thậm chí Trung Quốc hiện còn khuyến khích người dân tích trữ vàng. Số liệu mà ông Trúc có được từ nguồn Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa qua đã tăng cường bán vàng miếng cho người dân, trung bình mỗi tuần 5 tấn, thậm chí có tuần cao nhất tới 15 tấn.
"Hiệp hội Kinh doanh Vàng rất mong muốn được góp ý kiến cho nghị định này. Và nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Hiệp hội sẵn sàng mời các chuyên gia giỏi của nước ngoài tư vấn về quản lý thị trường cũng như hoạt động kinh doanh vàng miếng", ông Trúc nói.
Việt Nam hiện có trên dưới 10 thương hiệu vàng miếng, trong đó chiếm thị phần lớn nhất là SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Tại thị trường Hà Nội, người dân cũng chuộng loại vàng Bảo Tín Minh Châu. Ngoài ra còn có một số thương hiệu do các ngân hàng kết hợp với doanh nghiệp triển khai như vàng miếng 3 chữ A của Tổng công ty Vàng Agribank, SBJ hay PNJ...
Nếu ý tưởng giao dịch một chiều nói trên được thông qua, theo thời gian toàn bộ các thương hiệu vàng miếng này sẽ không còn tồn tại, hệ thống nhà xưởng dập đúc cũng sẽ không còn hoạt động. SJC với thị phần trên dưới 90% hiện nay sẽ là đơn vị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chia sẻ các doanh nghiệp rất mơ hồ về chủ trương cấm bán vàng miếng tự do. Ông Long cho biết SJC là doanh nghiệp cung cấp nguồn vàng miếng lớn nhất ra thị trường qua việc bán buôn, bán lẻ. Đồng thời cũng là doanh nghiệp gia công vàng cho rất nhiều đơn vị, nhất là các ngân hàng thương mại. Doanh số chính hằng năm của công ty đều từ 2 hoạt động này. Còn nữ trang chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu, giám định và các dịch vụ khác cũng khoảng vài phần trăm.
"Vì vậy, nếu không sản xuất và kinh doanh vàng miếng nữa, doanh thu của công ty chắc chắn bị ảnh hưởng. Hiện tại, lượng giao dịch vàng miếng tại SJC đã bị sụt giảm 5-10%", ông nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Sacombank-SBJ, cũng cho biết, vàng miếng SBJ thời gian gần đây mua bán sụt giảm hơn 50%, sau khi xuất hiện thông tin có thể cấm bán vàng miếng tự do.
Tổng công ty vàng Agribank cũng có thể thiệt hại hàng tỷ đồng nếu phải ngừng hoạt động hệ thống nhà xưởng sản xuất vàng miếng. Hai nhà máy dập đúc của tổng công ty ở TP HCM và Hà Nội với số vốn đầu tư ban đầu hàng triệu đôla, giờ mới khấu hao được hai phần ba.
"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghĩ cách tận dụng, các nhà máy đó sẽ chuyển sang làm trang sức chất lượng cao", ông Trúc cho biết.
Lường trước khả năng kinh doanh vàng miếng có thể bị thu hẹp, từ cuối 2010, khi lập kế hoạch cho năm 2011, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh của mình, theo hướng giảm dần lệ thuộc vào mảng vàng miếng. Ông Đỗ Minh Phú cho biết năm 2010, vàng miếng đóng góp 80% vào doanh thu của toàn tập đoàn.
Từ 3 năm trước, DOJI đã đẩy mạnh phát triển thương hiệu trong mảng trang sức, đá quý. Giờ đây, khi kinh doanh vàng miếng khó khăn hơn, công việc này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Theo phân tích của ông Phú, nhu cầu trang sức rất nhỏ bé so với nhu cầu đầu tư vàng miếng, vì thế doanh thu của mảng này không cao. Tuy nhiên, nếu vàng miếng bị ngừng giao dịch hoặc thu hẹp giao dịch, doanh nghiệp phải chuyển hướng. Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận của kinh doanh trang sức lớn hơn rất nhiều so với vàng miếng. Nếu như tỷ suất lợi nhuận trên kinh doanh vàng miếng chỉ là một phần nghìn thì tỷ lệ này ở trang sức là 10%.
"Vì vậy, chúng tôi xác định là con đường đầu tư đích thực của các doanh nghiệp kinh doanh vàng chính là trang sức", ông Phú nói.
Ông Phú tiết lộ, khi phát triển mảng trang sức, DOJI sẽ đẩy mạnh chiến lược hai trong một, tức là đầu tư cho dòng sản phẩm có hàm lượng vàng cao, vừa phục vụ nhu cầu làm đẹp nhưng vẫn đảm bảo làm quà tặng có giá trị, và giải quyết nhu cầu bảo toàn, tích trữ tài sản của nhân dân.
Tổng giám đốc SJC Nguyễn Thành Long cũng cho biết, nếu chủ trương của nhà nước nhằm thu hẹp thị trường vàng miếng, công ty cũng sẽ chú trọng sản xuất, kinh doanh mặt hàng nữ trang, cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng xưởng gia công nữ trang quy mô lớn và tìm hướng mới để bỏ vốn kinh doanh.
Tổng giám đốc một đầu mối kinh doanh vàng miếng thậm chí còn lên kế hoạch thu hẹp hoạt động kinh doanh cả vàng miếng lẫn trang sức, thay vào đó sẽ bỏ vốn sang các mảng khác như bất động sản. Công ty ông vừa được cấp phép xây dựng đô thị mới với quy mô 1ha. Ngoài ra, sẽ đầu tư vào nhiều dự án khác.
"Doanh nghiệp kiểu gì cũng sống được và họ sẽ tìm mọi cách đối phó. Không được dập vàng miếng thì họ sẽ làm táo vàng, trâu vàng để bán. Kiềng cổ ngày xưa làm rỗng, thì nay làm đặc. Nhưng người dân lâu nay có thói quen tích trữ tài sản bằng vàng. Nghị định mới ra đời cần lưu ý tới điểm này nếu không muốn tạo sự bất bình trong dân chúng", vị tổng giám đốc này nói.
Song Linh - Lệ Chi