Có 252 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD và 82 dự án tăng vốn, đạt gần 1,3 tỷ USD, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết.
Cơ quan này ngoài nhận định, nguyên nhân khiến vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm mạnh so với cùng kỳ là do vắng các dự án lớn. Quý I/2013, cả nước thu hút được 2 tỷ USD từ dự án Samsung tại Thái Nguyên, 2,8 tỷ USD từ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng vốn. Cùng kỳ năm nay, dự án lớn nhất chỉ là 225 triệu USD của nhà đầu tư Canada, hoặc việc tăng vốn đầu tư thêm 210 triệu USD của Nhật Bản cho dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện tại Bình Dương.
Ngược lại, giải ngân vốn FDI quý đầu năm sáng sủa hơn khi có 2,85 tỷ USD đã được rót cho các dự án, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với trên 2,3 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản và xây dựng lần lượt đứng thứ hai và ba.
Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn FDI rót vào Việt Nam với hơn 765 triệu USD, tiếp đến là Nhật Bản. Trong khi đó, khu vực phía Nam được đánh giá thu hút vốn ngoại vượt trội so với miền Bắc, khi Bình Dương là địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước, sau đó là TP HCM và Đồng Nai. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 cũng chỉ ra các tỉnh, thành phố phía Nam có môi trường kinh doanh tốt hơn các tỉnh phía Bắc.
Khu vực FDI vẫn đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế. Tổng cục Thống kê nhận định xuất khẩu của khu vực này là động lực chính giúp GDP tăng 4,96% trong quý đầu năm nay khi xuất siêu lên tới gần 4 tỷ USD.
Huyền Thư