Tại Diễn đàn Đối thoại giữa chính quyền Trung ương và doanh nghiệp FDI năm 2014 diễn ra tại TP HCM sáng 24/3, đại diện Pizza Hut cho biết đã mất gần 4 tháng chỉ để xin một giấy phép mở cửa hàng bán thức ăn nhanh trong trung tâm thương mại tại Hà Nội.
Theo vị này, công ty đã nộp toàn bộ những giấy tờ, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của các cấp chính quyền liên quan tại Hà Nội, nhưng chưa được phép hoạt động. Trong khi đó, cơ quan sở tại không yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý một lần mà luôn đưa ra yêu cầu mới sau khi công ty đã hoàn thành yêu cầu trước đó.
"Pizza Hut đang có hơn 20 cửa hàng thức ăn nhanh tại TP HCM, hồ sơ pháp lý đã đầy đủ nhưng cơ quan giải quyết thủ tục tại Hà Nội lại cứ bắt chứng minh năng lực, báo cáo tài chính từ công ty mẹ, trong khi các tài liệu này đã luôn được chứng minh khi mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam", đại diện này nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, luật sư Công ty Baker & McKenzie's, Luật Doanh nghiệp quy định rõ rằng là chi nhánh của một công ty có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh như công ty mẹ. Các chi nhánh của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng có chức năng đó.
Tuy nhiên gần đây, một số cơ quan chính quyền lại diễn giải rằng chỉ có các chi nhánh của các công ty vốn đầu tư nước ngoài có dự án tại Việt Nam mới có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tại Việt Nam, còn các chi nhánh khác thì chỉ được thực hiện các hoạt động như văn phòng đại diện mà thôi. "Nếu theo cách diễn giải như thế thì đang tạo ra sự không thống nhất, không rõ ràng và thiếu nhất quán, vô hình chung tạo ra nhiều phức tạp cho mọi công ty, cả trong và ngoài nước, đối với việc thành lập chi nhánh", bà Phương phàn nàn.
Trong khi đó, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch tại Việt Nam cho rằng đang có nhiều mâu thuẫn trong việc làm luật, một quy định nhưng mỗi luật hoặc văn bản dưới luật lại thể hiện một cách rất khác nhau, không đồng nhất nên tạo rất nhiều lúng túng cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam. "Theo tôi, chúng ta nên có một đạo luật chung dẫn dắt các luật khác, làm cơ sở quy chiếu thì mới tạo được điều kiện thuận lợi và một môi trường đầu tư thông thoáng tốt nhất như mục tiêu đề ra", ông Huệ nêu ý kiến.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết những rắc rối, phiền hà trong quá trình cấp phép đầu tư bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân từ bản thân nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chính việc chờ lấy ý kiến từ các bộ ngành liên quan; thêm nhiều thủ tục mới qua từng giai đoạn; thiếu các quy định cụ thể và không thống nhất giữa các bộ luật với nhau đang làm hạn chế việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay.
Theo ông Hà, việc lấy ý kiến từ các bộ ngành Trung ương đến các cơ quan chính quyền địa phương làm mất khá nhiều thời gian, nếu có thì cũng là những câu trả lời chung chung và có nhiều ý kiến rất khác nhau. Do vậy, khi Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu thì việc xem xét lại quá trình giải quyết thủ tục đầu tư sao cho nhanh chóng và thuận lợi nhất là việc phải hành động ngay.
"Chúng ta cũng nên tiến hành nghiên cứu việc cấp một mã số duy nhất cho mỗi nhà đầu tư, ở đó sẽ có đầy đủ thông tin cần thiết nhất về nhà đầu tư, chứ không phải cái gì cũng phải thể hiện trên giấy, đến khi đi làm thủ tục nhà đầu tư phải vác cả một đống giấy tờ theo", ông Hà đề nghị và cho biết TP HCM hiện đang nghiên cứu thiết lập việc cấp giấy phéo kinh doanh qua mạng, xây dựng trang web giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư để giảm thiểu tối đã thời gian đi lại của nhà đầu tư. Các địa phương khác cũng cần làm như thế thì nhà đầu tư sẽ an tâm hơn, đỡ tốn kém hơn.
Trao đổi với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, trong đó nếu cần thiết sẽ phải bỏ bớt các thủ tục trong trong một số lĩnh vực như đất đải, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phải xem xét xem các biện pháp chế tài trong các luật chuyên ngành để có thể bỏ thủ tục cấp phép đầu tư đi, như vậy sẽ hết sức thông thoáng cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng phải đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, chứ không phải chúng ta kêu gọi và mở cửa vô điều kiện. "Chúng ta luôn đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế đất nước, nhưng chúng ta cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc là Việt Nam được gì và mất gì trong thu hút FDI. Và chúng ta phải lấy được cả công nghệ, trình độ quản lý chứ không phải chỉ là sản phẩm để tạo sự thúc đẩy phát triển kinh tế", ông Vinh nói.
Trung Sơn